Vườn dâu da của các hộ nông dân tại huyện Hoài Ân, một huyện trung du của tỉnh Bình Định đẹp như phim, vạn người mê. Nhìn những cây dâu da treo trái nhiều như sao sa, nhiều người tứa nước miếng, chịu, không làm sao đếm cho xuể…
Những năm gần đây, cây dâu da đã trở thành cây “hái ra tiền” cho một số người dân ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, bởi thu hút rất đông người dân, giới trẻ đến tận vườn để tham quan, chụp hình và mua quả.
Với hơn 12ha trồng tổng hợp các loại cây ăn quả, bên cạnh những giống cây hồ tiêu, sầu riêng, bưởi… ông Đặng Văn Cấp (ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã trồng thử nghiệm, 2 vườn dâu da với số lượng 200 gốc.
Vườn dâu da vàng của gia đình nông dân Đặng Văn Cấp đã trồng được khoảng 7 năm, bắt đầu từ năm thứ 4 thì dâu ra trái, cho thu hoạch.
Hiện tại, mỗi ký dâu da được gia đình ông bán với giá 20 ngàn đồng.
Cây dâu dễ trồng vì rất ít sâu bệnh hại. Giống dâu Thái tôi mua ở miền Tây mang về trồng và năng suất năm nay của vườn ước chừng khoảng 7 tấn”, ông Cấp cho hay.
Ngày cao điểm, khu vườn dâu da của ông Cấp có thể đón lên đến 600 khách tham quan, chụp hình, quay phim và mua trái dâu da tận vườn.
Từ lúc trồng cho đến khi thu hái rất dễ, vì quả dâu da mọc thành từng chuỗi quả trên một cành nên chỉ cần bẻ sát gốc cành đó ra khỏi thân là đã thu hoạch được hàng chục quả.
Khi bẻ những chùm dâu da này phải cẩn thận để không bị va chạm với quả khác sẽ bị rụng. Dâu da thơm, dòn và ngon hơn khi vừa hái trên cây xuống nên khi du khách muốn thưởng thức loại quả này phải đến tận vườn.
Khi thưởng thức vị quả dâu da này, lúc mới bóc ra cho vào miệng thì chua nhưng khi bắt đầu ăn thì có vị ngọt.