Canh tác thuận tự nhiên, không phân thuốc hóa học, không đánh bồn, không xới xáo gốc cây, không tiện gốc và cành… nhưng vườn bưởi của ông Khải năm nào cũng lúc lỉu quả.
10 năm kiên trì tạo bộ đệm sinh học cho vườn bưởi
Gần 20 năm về trước, vùng quê Yên Thọ (Yên Định,Thanh Hóa)chủ yếu là những đồng đất đất hoang hóa, cằn cỗi. Nhận thấy tiềm năng của quê hương đang bị bỏ ngỏ, năm 2004, ông Nguyễn Xuân Khải đã quyết định về quê, thuê thầu 10ha đất làm trang trại.
Ông Khải nói, bản thân chịu khá nhiều áp lực vì quyết định này: “Người ta hay gọi tôi là “lão gàn” bởi tự dưng lại bỏ công việc nhà nước với nhiều cơ hội thăng tiến để về làm nông dân. Áp lực lớn nhất của tôi là không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Nhưng trời không không chịu đất thì đất phải chịu trời chứ biết sao được. Tôi đã quyết chí thì phải làm bằng được”.
Ban đầu, trên diện tích 10ha, ông Khải trồng thử nghiệm các loại cây như dâu tằm, xà cừ, mía, gió bầu… nhưng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Mọi vốn liếng dành dụm được bấy lâu cũng “không cánh mà bay”.
Thất bại lần đầu khởi nghiệp không khiến ông Khải nản chí. Ông chủ trang trại dùng toàn bộ tiền tiết kiệm và căn nhà của bố mẹ để thế chấp ngân hàng, vay vốn, đầu tư cây trồng mới với mong muốn biến đồng đất quê hương thành vùng bưởi Diễn trù phú.
Nói về cơ duyên với cây bưởi Diễn,ông Khải kể: “Có lần đi qua làng Diễn (Hà Nội), tôi bị hớp hồn bởi khu vườn lúc lỉu quả, hương vị thanh ngọt. Sau chuyến đi đó, tôi quyết định đầu tư 100 gốc bưởi để trồng thử nghiệm ở trang trại. Ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên trồng 100 gốc bưởi chỉ sống được 20 gốc. Tuy nhiên, 20 gốc bưởi sau một thời gian chăm sóc đã cho trái ngọt, thơm”.
Nhận thấy bưởi Diễn phù hợp với đồng đất quê hương, năm 2009, ông Khải quyết định đầu tư trồng 3.000 gốc bưởi. Không lâu sau đó, toàn bộ trại bưởi của gia đình ông chuyển sang canh tác theo hướng thuận theo tự nhiên.
Nói về quyết định này, ông Khải chia sẻ: “Nông dân xưa nay quen sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Đây là việc làm gây hại đối với môi trường, sức khỏe con người. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón, chất kích thích trong trồng trọt làm cho đất ngộ độc, khiến cây suy thoái, cây trồng chống chịu bệnh kém. Đây là hình thức bức tử cây, bức tử đất”.
Ý tưởng làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên của ông Khải được cho là hợp với xu thế, nhưng thời điểm đó, kiến thức về nông nghiệp hữu cơ của ông là “con số 0” tròn trĩnh. Bởi vậy, trang trại của ông không tránh được thất bại ở ngay vụ đầu tiên.
Năm 2017, trại bưởi Diễn bắt đầu khai thác thương mại. Thế nhưng bưởi thành phẩm cho thu hoạch không như mong đợi, khiến ông phải bù lỗ gần 600 triệu đồng.
“Tỷ lệ thối, hỏng của bưởi trong trang trại lên đến 30%. Chất lượng bưởi kém nên khách hàng không mặn mà. Tôi phải thuê người nhặt từng quả bưởi thối làm thức ăn cho vi sinh vật”, ông Khải kể.
Thất bại này giúp ông Khải rút ra nhiều bài học trong quá trình canh tác, đặc biệt là giải quyết bài toán dinh dưỡng cho cây trồng. Chủ trang trại bưởi Diễn biến vườn bưởi thành “chuột bạch” để thí nghiệm nhằm tìm ra công thức chăm bón cây trồng.
Ông Khải chia sẻ: “Đối với giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, cần đủ đa, trung, vi lượng. Thông thường, tôi chỉ sử dụng đạm cá, đạm tôm/moi, tảo biển, xương cá để bón cho cây.
4 loại thức ăn này kết hợp theo tỷ lệ khác nhau sẽ cho ra 16 công thức bón phù hợp. Nhờ vậy, cây bưởi được cung cấp dinh dưỡng phù hợp, giúp cây khỏe, đậu nhiều quả. Ngoài ra, công thức chăm bón này giúp đất tơi xốp, đồng thời chống bệnh nấm rễ và xua đuổi côn trùng”.
Để tạo bộ đệm sinh học cho trang trại, ông Khải dùng lá cây, bưởi thối làm thức ăn cho vi sinh vật, giun. Những vi sinh vật này sẽ là những “kiến trúc sư” giúp phân hủy xenlulo, đào bới đất thay cho con người.
Bộ đệm sinh học trong trang trại cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, làm tơi xốp đất, lấn át các loại nấm bệnh gây hại. Đặt biệt, giúp giữ ẩm đất, chống hạn hán rất hiệu quả. Đó là cách tốt nhất để “giải độc” cho đất và hướng tới sự cân bằng tự nhiên.
Nhờ áp dụng phương pháp canh tác này, từ năm 2017 trở đi, vườn bưởi của của gia đình ông Khải cho hiệu quả và năng suất cao. Cây bưởi vững gốc, chắc cành, quả to, đều mà không cần chằng chống.
Các yếu tố vi lượng trong phân bón hữu cơ tạo ra hương vị khác biệt cho quả bưởi. Trái bưởi ở đây cảm giác rất nặng tay, ăn ngọt và thanh mát. Việc tích tụ dinh dưỡng gần như tự nhiên tại trang trại giúp trái bưởi có thể để 2 – 3 tháng chưa hỏng.
Một ưu điểm khác khi canh tác nông nghiệp hữu cơ, thuận theo tự nhiên theo ông Khải đánh giá là chu kỳ khai thác của cây có thể kéo dài 70 – 100 năm. Trong khi đó, nhiều vùng trồng bưởi chuyên canh trên cả nước hiện nay, sau chu kỳ khai thác quả từ 20 đến 30 năm đã phải phá bỏ để trồng lại.
“Vệ sĩ” đặc biệt bảo vệ cây trồng
Theo ông Khải, nguyên tắc làm nông nghiệp bền vững là nương dựa vào tự nhiên để gieo trồng, lấy tự nhiên nuôi tự nhiên.
Vườn bưởi Diễn của ông Khải tuân thủ thực hiện nguyên tắc “8 không”: Không thuốc trừ sâu, không phân bón học, không thuốc diệt cỏ, không dùng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xới xáo gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây.
Điều đặc biệt suốt nhiều năm qua, trang trại của ông Khải không hề sử dụng thuốc trừ sâu để diệt côn trùng gây hại. Ông chủ trang trại này chọn kiến vàng làm “vệ sĩ” cho cây trồng.
Kiến sẽ bắt, ăn thịt tất cả các loại sâu, nhện trên cây và xua đuổi các loại côn trùng gây hại có cánh.Kiến vàng phát ra mùi làm cho côn trùng không dám lại gần cây trồng.
Ông Khải lưu ý, khi sử dụng kiến vàng cần có sự quản lý số lượng phù hợp. Nếu kiến phát triển nhanh sẽ gây lại cho cây trồng. Với cách làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên, trang trại của gia đình ông Khải giảm tối đa chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng tuổi thọ cây trồng. Bởi thế, 4 năm qua, vườn bưởi của gia đình ông chưa phải đụng một nhát cuốc nào trên đất.
Sau nhiều năm nỗ lực thay đổi phương thức canh tác và chăm sóc, năm 2020, trang trại của ông Nguyễn Xuân Khải đã được cấp chứng nhận hữu cơ Organic quốc gia cho quả và các sản phẩm từ bưởi.
Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng chứng nhận sản phẩm phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Những trái bưởi hữu cơ đầu tiên của xứ Thanh đã được chủ trang trại đăng ký nhãn hiệu riêng với tên gọi “Bưởi hữu cơ Mộc Ân” để đưa ra thị trường.
Theo ông Khải, làm nông nghiệp hữu cơ là dựa vào quy luật có sẵn trong tự nhiên giúp con người tiếp cận với môi trường và cây trồng thân thiện hơn, hạn chế tác động tiêu cực đến cây như tiện cành, gốc.
Để làm được điều này, ông Khải cho rằng, người nông dân cần có kiến thức, niềm tin với chính lựa chọn của mình, bởi canh tác nông nghiệp theo hướng thuận theo tự nhiên cơ đòi hỏi thời gian, không giống như làm nông nghiệp thông thường.
Ngoài ra, để nhân rộng mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên,ông Khải còn truyền đạt kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ cho 4 mô hình trồng cam ở Nghệ An với diện tích 15ha. Các mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Làm hữu cơ đúng nghĩa, làm tâm huyết, thân thiện, cây sẽ hiểu được lòng người. Làm hữu cơ giúp sản phẩm có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon vượt trội. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo sức khoẻ và không gây ô nhiễm môi trường”, ông Khải đúc rút.
Vườn bưởi có tuổi đời cả chục năm tại trang trại của ông Khải hàng năm cho cả trăm tấn quả và có đầu ra bền vững. Mỗi năm, trang trại cho tổng doanh thu gần 4 tỷ đồng, phần lớn trong số đó là từ bưởi. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hàng chục lao động thời vụ. Ngoài ra, trang trại còn thường xuyên đón khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Hình thành trang trại tái tạo, tuần hoàn
Ông Khải chia sẻ, thành công trong việc sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên là tiền đề để vận hành trang trại theo cơ chế rừng (hay gọi là vườn rừng).
Để trang trại đủ sinh khối nuôi cây trồng, ngoài những sinh khối là thực bì, cây sinh khối trồng dưới tán, ông Khải đang tái cơ cấu sản phẩm thu hái, hạn chế tối thiểu sản phẩm đưa ra khỏi trang trại nhằm đảm bảo năng lượng được giữ lại, tham gia tiếp tục vòng tuần hoàn sản xuất.
Ông Khải đưa ra giải pháp về trang trại tái tạo tuần hoàn theo công thức 30 – 40 – 30: Thu hoạch hoa bưởi mỗi năm đạt từ 5 – 6 tấn; lượng hoa bưởi sẽ chưng cất ra 1.000 lít nước hoa bưởi, chiếm 30% giá trị. Đối với vỏ bưởi, lá bưởi, có thể thu hái dần trong năm để chiết xuất ra tinh dầu chiếm 40% giá trị. Thu hoạch từ quả bưởi thương phẩm chỉ chiếm 30%. Bã chưng và phần vỏ quả bưởi được bón cho cây.
Việc tạo ra vòng tuần hoànà vườn rừng). trong trang trại giúp ông Khải giảm áp lực mùa vụ cũng như việc thu hái, vận chuyển, bảo quản và giảm áp lực tiêu thụ.
Hiện nay, các sản phẩm hữu cơ thương hiệu Mộc Ân từ trang tại bao gồm: Nước hoa bưởi hữu cơ chưng cất; gel gội bưởi hữu cơ; hydrosol trầu không; tinh chất hoa ngũ sắc; hydrosol hoa sen; sữa tắm hoa sen, nước súc miệng trầu cau…
Các sản phẩm được bán ở các thành phố lớn và nhiều tỉnh trên cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ, Lâm Đồng… Các sản phẩm cũng được người Việt tại Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan rất ưa chuộng.
Hiện nay, ông Khải đang thử nghiệm lên men vang từ quả bưởi, bước đầu đã cho kết quả tốt. Chủ trang trại bưởi hy vọng sẽ sớm có sản phẩm rượu vang bưởi hữu cơ Mộc Ân để giới thiệu và bán cho khách hàng…
Sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, ông Khải cho rằng, việc phát triển trang trại theo hướng thuận theo tự nhiên là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp, giúp tái tạo lại hệ sinh thái, tác động tốt đến môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và hướng đến xuất khẩu.