Những ngày tháng lao đao
Trong những ngày chuẩn bị cho lễ hội bưởi cấp tỉnh từ 15-17/11 đi khắp Đoan Hùng đâu đâu cũng thấy một màu vàng rực, một vị hương thơm ngan ngát đặc trưng. Tôi lại nhớ về những ngày không xa, thời trầm lắng của loại quả đặc sản này.
Đoan Hùng có hai loại bưởi là Bằng Luân và Sửu (Chí Đám). Trước những năm 2000, diện tích của chúng sụt giảm thê thảm chỉ còn chưa đến 200 ha, sản lượng lèo tèo vài ba trăm tấn. Bưởi Bằng Luân còn đỡ chứ bưởi Sửu khi ấy hiếm đến mức gần như tuyệt chủng, các nhà khoa học chọn mãi mới được có 9 gốc đủ khả năng làm cây đầu dòng.
Gian hàng của Hiệp hội bưởi Đoan Hùng |
Bừng tỉnh trước nguy cơ mất đi loại đặc sản quý, năm 2003 Phú Thọ thử nghiệm phục tráng 6 ha bưởi tại xã Chí Đám. Năm 2004 tỉnh duyệt dự án trồng 1.000 ha, tiếp đó Bộ Khoa học Công nghệ duyệt dự án trồng thêm 300 ha nữa với giống, vật tư được hỗ trợ tới tận chân vườn. Các hội thi bưởi được tơi tới tổ chức. Năm 2006 Cục Sở hữu Trí tuệ còn cấp cả chỉ dẫn địa lý cho quả đặc sản trứ danh này.
Trong cơn khí thế bừng bừng ấy người ta đã thi nhau triệt hạ hết những gốc bưởi chua, bưởi khác loại để trồng duy nhất bưởi Đoan Hùng. Đến năm 2007, khi cả hai dự án kết thúc, tổng diện tích trồng đã được 1.090 ha. Khi số này chớm ra hoa thì nảy sinh vấn đề mới là có khoảng 50 ha bị lẫn giống bưởi Diễn. Cả Giám đốc rồi Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phải cúi đầu nhận khuyết điểm trước tỉnh còn bà Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Phú Thọ – đơn vị cung ứng khi ấy vừa đọc kiểm điểm vừa khóc.
Vận rủi chưa hết, liên tiếp trong ba năm liền 2007, 2008, 2009 cả huyện Đoan Hùng mà nhất là vùng bưởi dự án bị mất mùa nặng không rõ nguyên nhân khiến nhiều người đàm tiếu gọi là “bưởi đặt vòng”. Đơn từ khiếu nại bay như bươm bướm. Các cuộc họp hội đồng nhân dân từ xã, huyện lên đến tỉnh đều chất vấn. Nhiều tờ báo bắt đầu vào điều tra khiến cho các cán bộ liên quan đều cảm thấy bất an như đang ngồi trên… gai bưởi. Căng thẳng đến mức ông Nguyễn Văn Bưởi – Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng khi ấy phải yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những cơ quan tham mưu, triển khai dự án đồng thời cầu cứu tỉnh biện pháp tháo gỡ cho tình trạng “bưởi đặt vòng”.
Phép lạ xảy ra
Viện Nghiên cứu Rau quả khi đó vừa thử nghiệm kỹ thuật mới là thụ phấn bổ sung trên vùng bưởi Đại Minh (Yên Bình, Yên Bái) nên năm 2009 đã thử nghiệm luôn trên mấy gốc bưởi Bằng Luân vườn nhà ông Vũ Văn Nguyệt ở xã Quế Lâm (Đoan Hùng). Cách này dựa trên sự quan sát những vườn bưởi trồng lẫn giống thường sai quả hơn cùng một giống bởi không bị hiện tượng tự bất thụ.
Bởi vậy các nhà khoa học đã quyết định lấy nhị phấn của cây bưởi khác giống thụ cho hoa của bưởi Đoan Hùng. Thử nghiệm thành công, mỗi gốc vụ trước đang chỉ 5-7 quả bỗng đạt 120-150 quả nên năm 2010 lại làm tiếp trên 100 gốc bưởi vườn nhà ông Trần Minh Lượng với gói kỹ thuật hoàn chỉnh đi kèm gồm cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân rồi thụ phấn.
Vườn bưởi nhà ông Lượng |
Cũng thời gian này kỹ thuật trên được thử nghiệm ở 3,5 ha bưởi Sửu “đặt vòng” thuộc dự án phục tráng bưởi ở xã Chí Đám. Cả hai giống bưởi Bằng Luân, Chi Đám sau đó đều cho trung bình trên 100 quả mỗi gốc. Thành công lan nhanh hơn cả vết dầu loang, chỉ trong mấy năm sau đã rộng ra toàn huyện.
Nhớ lại những tháng năm lao đao ấy, ông Lượng bảo: “Hồi ấy, bưởi mất mùa liên miên, quả vừa ít lại vừa nhỏ nên bán cả vườn cũng chỉ được có 3-4 triệu”. Kể từ khi có phương pháp mới, vườn bưởi 100 gốc của nhà ông mỗi vụ mất thêm khoảng 100 công để thụ phấn. Mỏi mắt vì kiếm tìm, mỏi cổ vì cúi ngửa, mỏi người vì leo thang nhưng cuối vụ ông lại được dịp… mỏi tay vì đếm tiền. Đang từ thu 4 triệu của năm 2009, vụ 2010 ông thu được 42 triệu… vụ 2017 thu được 220 triệu trong khi chi phí không quá 30-40 triệu.
Cũng theo ông Lượng quả bưởi ngon phải thật nặng, hái để 1 tuần sờ vào vỏ đã thấy mềm mềm. Cây càng già càng cho quả ngon. Quả của cây dưới 10 năm tuổi dân trong nghề gọi là bưởi non, quả của cây dưới 30 năm tuổi gọi là bưởi nửa đời, chỉ những quả của cây trên 30 tuổi mới được gọi là bưởi chuẩn. Vườn nhà ông có trên 70 cây bưởi lão như vậy.
Tôi lại trở về vùng “bưởi đặt vòng” của xã Chí Đám năm nào để gặp anh Nguyễn Đức Hoạch ở thôn Chí 2. Từ một đứa trẻ mồ côi, nhà nghèo, anh cưới vợ, ra ở riêng với đôi bàn tay trắng và chỉ 1 sào ruộng. Thương cảnh khó nên có người quen nhượng lại cho anh suất đất thầu ngoài bãi để trồng ngô. Thế rồi tình cờ mảnh đất ấy lại nằm trong khu quy hoạch dự án bưởi. Lúc đầu có tới 45 hộ hăng hái làm đơn nhưng sau khi nghe thông báo phải đổi 1,5 sào đất quỹ 1 của nhà để bù trả vào đất bãi thì 35 hộ đã bỏ cuộc, chỉ có 10 hộ tiếp tục.
Trồng cây, ai cũng mong ngày hái quả. 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm, 6 năm… quá hạn đã lâu mà chẳng có thu hoạch gì khiến cho nhiều gia đình của dự án bưởi trở nên túng bấn. Vợ chồng Hoạch đã nghèo nhất xóm lại càng thêm lao đao, phải làm đủ thứ nghề từ thợ nề, thợ đấu, bốc vác… mà chẳng mấy khi có đủ ăn ngày ba bữa. Ngôi nhà tranh, vách đất, dột nát tứ tung của họ cũng chẳng có tiền để sửa.
Theo ông Lượng, cây càng già càng cho quả ngon |
Trước nghe các nhà khoa học khuyên tỉa cành, thụ phấn bổ sung anh bỏ ngoài tai, giờ mới chịu áp dụng dù lúc chặt những cành bưởi to cảm thấy xót như dao cứa vào tay. Cả vườn cây đang xanh tốt bỗng xác xơ như gặp phải cơn bão khiến cho cán bộ xã tưởng gia đình anh theo gương người hàng hóm là Lê Khắc Phàn phá hết bưởi dự án vội đến can ngăn.
Chỉ sau một vụ, mỗi gốc cây đang cho thu 5-7 quả bỗng thu được hơn 70 quả. Đã thế giá cả lại tăng vọt, mỗi quả đang từ 20.000đ lên 40.000đ. Năm 2010, lúc cầm trong tay 50 triệu đồng tiền bán bưởi, chính thức thoát nghèo anh Hoạch đã reo lên với vợ rằng: “Gia đình ta sẽ xây nhà mới nhờ vườn bưởi!”. Chỉ trong năm sau ngôi nhà tranh vách đất bị dỡ đi để dựng lên ngôi nhà mái bằng mới khang trang trị giá 200 triệu. Giờ đây, mỗi vụ bưởi, chỉ với 40 gốc anh đã thu được gần 200 triệu lãi, kịch khung điểm để miễn mọi tiêu chí bình xét hộ nghèo.
Nếu bưởi Bằng Luân khó tính một thì bưởi Sửu khó tính mười. Bởi thế mà anh Hoạch tổng kết vui rằng: “Thằng bưởi Diễn, anh Xuân Vân, bác Bằng Luân, ông bưởi Sửu”. Gọi là thằng bưởi Diễn với anh bưởi Xuân Vân bởi chúng trai trẻ và khỏe mạnh, có thể trồng ở bất cứ đâu nhưng gọi là bác bưởi Bằng Luân thì đã khó tính hơn nhiều, còn ông bưởi Sửu sự khó tính lại càng nhân lên gấp bội. Bưởi Bằng Luân có những cây cổ thụ trên 100 tuổi nhưng bưởi Sửu rất khó tìm ra nổi một cây trên 30 năm. Cả 9 cây bưởi Sửu đầu dòng vườn nhà ông Lư, ông Hà ở Chi Đám năm 2002 từng tuyển chọn để lấy mắt ghép thì nay đã thành ra thiên cổ. Có người thử nghiệm đánh bầu bưởi Sửu đi trồng ở nơi khác, cẩn thận chở cả xe tải… đất Chí Đám theo mà khi cây ra quả ăn vẫn khác hẳn lúc trồng ở quê nhà.
Anh Nguyễn Minh Mạch – Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám với 18 thành viên và 8 ha đang cho khai thác bảo với tôi rằng: “Khác với bưởi Bằng Luân thường bán theo vườn, bưởi Sửu chỉ bán theo quả. Cứ đếm quả là đếm tiền. Bình quân mỗi gốc thu 70-80 quả, giá mỗi quả 60.000-70.000đ là được 5-6 triệu nhưng cũng có gốc hạ xuống thu hơn 200 quả, được tới 12-13 triệu. Để tăng thêm chất lượng chúng tôi đang định hướng chăm sóc theo quy trình hữu cơ, bón bổ sung bằng đậu tương ngâm hay cá ngâm”.
Anh Nguyễn Minh Mạch-Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám |
Còn anh Nguyễn Hoàng Minh – Trưởng phòng NN-PTNT Đoan Hùng thống kê, năm 2010 khi cây bưởi vừa thoát nạn “đặt vòng” sản lượng chỉ đạt cỡ 2.000 tấn, giá trị chỉ đạt 5 tỉ thì giờ đây với hơn 2200 ha trong đó có 1250 ha đặc sản, ước thu hoạch 16.000 tấn, giá trị khiêm tốn nhất cũng 260 tỉ. Tại lễ hội bưởi đầu tiên này cả 28 xã trên địa bàn đều có gian hàng tham gia giới thiệu sản phẩm. Năm 2017 Đoan Hùng thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần giơ điện thoại có kết nối mạng lên trước con tem này là có thể biết mọi thông tin từ tên chủ vườn, địa chỉ ở đâu, số điện thoại đến các video clip. Năm 2018 huyện sẽ phát khoảng 100.000 tem cho từng chủ vườn tự dán, tự chịu trách nhiệm cho mỗi quả bưởi của mình.
Trong một kế hoạch không xa, 2020 tỉnh Phú Thọ phấn đấu sẽ đạt 5.000 ha bưởi trong đó bưởi đặc sản Đoan Hùng là 1.500 ha, tổng sản lượng đạt trên 24.000 tấn. |