Vì sao trái cây Sơn La đắt như tôm tươi, 5 năm không cần “giải cứu”?

Mọi cây trồng đều phải nằm trong quy hoạch và chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích các loại cây ăn trái, 5 năm trở lại đây nông sản Sơn La chưa từng phải giải cứu.
Vì sao trái cây Sơn La đắt như tôm tươi, 5 năm không cần “giải cứu”?
Khách hàng đặt mua trọn cả vườn lê này với mức giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg

Có mặt tại các vườn trồng lê sắp đến ngày thu hoạch của người dân thuộc các huyện Mộc Châu, Vân Hồ của tỉnh Sơn La, phóng viên được các chủ vườn cho biết, những trái lê này đã được khách hàng đặt mua trọn cả vườn với mức giá khá cao, từ 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Theo lời một chủ vườn tại huyện Mộc Châu, trong vài năm trở lại đây thường không có lê được bán ra ngoài, bởi thương lái đã đặt trước từ rất sớm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Quang An – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La – cho hay: “Mọi cây trồng trên địa bàn tỉnh đều phải nằm trong quy hoạch. Bài học ở các tỉnh thành miền Trung và miền Nam đã có, thấy đắt một tí là nông dân ồ ạt trồng. Nếu cứ chạy theo giá cả thị trường mà ào ạt trồng lê rồi bỏ các cây trồng khác cũng không thể được vì có thể tạo ra những bất ổn của thị trường”.

Theo ông An, đó là một trong những lý do 5 năm trở lại đây sản phẩm nông sản ở Sơn La không cần phải nhờ đến các cuộc “giải cứu”, đó cũng được xem là một thành công của Sơn La.

Vì sao trái cây Sơn La đắt như tôm tươi, 5 năm không cần “giải cứu”?
Vườn lê tại huyện Vân Hồ đã được thương lái đặt mua trọn vườn với giá 80.000 đồng/kg.

Thực tế quả lê tuy có giá trị kinh tế cao nhưng chưa phải là cây chủ lực ở Sơn La. Hiện nay Sơn La tập trung phát triển diện tích trồng nhãn, xoài, cà phê, chanh leo, đó là những cây có ảnh hưởng đến đời sống của phần đông người dân.

Nhờ ứng dụng KHCN trong sản xuất, tỉnh Sơn La đã phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững…

Điển hình như xây dựng mô hình trồng nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã, từ hiệu quả của mô hình vài hecta, đến nay toàn tỉnh có 17.292 ha nhãn cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La…

Hiện, toàn tỉnh được cấp 92 mã số vùng trồng nhãn với diện tích trên 2.415 ha; trong đó, có 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc với diện tích 207,6 ha; 58 mã số được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, diện tích trên 2.207 ha.

Sản lượng sản phẩm nhãn dự kiến đạt 70.412 tấn, trong đó có khoảng 22.442 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc và một số thị trường khác như: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

 
Vì sao trái cây Sơn La đắt như tôm tươi, 5 năm không cần “giải cứu”?
Ông Phạm Quang An – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La.

Mỗi một sản phẩm chủ lực chuẩn bị đến vụ thu hoạch, tỉnh Sơn La lại tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm ra thị trường. Đến nay, đã có những khách hàng Trung Quốc sang tận nơi đặt hàng từ trước khi thu hoạch.

Bên cạnh đó là mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Mai Sơn, cho thu hoạch 20 tấn/ha. Đến nay, diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh là 133ha. Những trái thanh long ruột đỏ của Sơn La sau khi thu hoạch không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước thông qua kênh siêu thị, mà còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE và đang được chào hàng sang một số nước khác.

“Ngoài chất lượng sản phẩm cũng như quy hoạch bài bản, công tác truyền thông, tiếp cận thị trường đã được UBND tỉnh Sơn La thực hiện một cách ráo riết. Tỉnh có cả một ban chỉ đạo thực hiện việc tiếp thị sản phẩm sang thị trường Trung Quốc” – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La cho biết.

Ngoài ra, sản xuất các giống rau trái vụ mà các địa phương khác không có, tạo ra các sản phẩm hàng hóa không những phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài đang là hướng đi mới của tỉnh Sơn La.

Sơn La cũng từng bước hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. “Nếu Sơn La không đi theo hướng hữu cơ thì sẽ rất bất lợi, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành trong đó có Sở KHCN nghiên cứu đưa ra các mô hình và quy trình trồng một số giống cây theo hướng hữu cơ” – ông An nói.

Đối với những sản phẩm chủ lực của Sơn La nói chung, trong đó có những sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã khó, việc duy trì và phát triển thương hiệu còn khó khăn hơn.

Khi xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực ở Sơn La, địa phương đã đưa ra kế hoạch hàng năm rà soát và kiểm tra các hộ, các HTX. Các địa phương có sản phẩm đã được bảo hộ phải đảm bảo quy trình sản xuất theo quy định; Khi sản phẩm ra thị trường phải xây dựng được truy xuất nguồn gốc; Sản phẩm ngay từ khi bắt đầu thu hoạch phải được dán tem, nhãn mác cũng như mã vạch để tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc.

“Chúng tôi tuyên truyền người dân không vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu. Sản phẩm khi đã bán hết mà không quản lý tốt trong cộng đồng thì dễ dẫn đến việc lấy sản phẩm chưa đạt yêu cầu về dán nhãn mác vào, rất nguy hiểm. Đã có những bài học ở nhiều nơi nên chúng tôi hết sức quan tâm đến việc này, làm sao cho nông dân khi đã bán hết sản phẩm rồi thì thôi, không có lấy thêm ở nơi khác về.” – ông Phạm Quang An nói.

Tin Liên Quan