Ngày 30/5, tại xã Phúc Hòa, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều và tham gia cắt băng xuất hành chuyến xe đưa vải thiều chín sớm tiêu thụ tại thị trường trong nước, quốc tế.
Ngày 30/5, tại xã Phúc Hòa, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm nhằm kết nối tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều đến các thị trường trong và ngoài nước. Hội nghị là dịp để huyện Tân Yên quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm của huyện; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, hợp tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 30/5, tại xã Phúc Hòa, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm. Ảnh: Khương Lực
Nhiều doanh nghiệp về vùng vải thiều chín sớm Tân Yên để thu mua
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Quốc Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá, hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm huyện Tân Yên đã rất thành công và có tính lan tỏa cao trong kết nối tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều đến các thị trường có yêu cầu cao trên thế giới như: Nhật Bản, EU, Mỹ…
Vải thiều chín sớm Tân Yên là sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên. Diện tích vải thiều chín sớm tập trung chủ yếu ở xã Phúc Hòa với gần 700 ha. Ngay sau khi kết thúc vụ vải thiều năm 2022, UBND huyện Tân Yên đã tập trung chỉ đạo trong sản xuất để có được sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Theo ông Hưng, do được UBND huyện quan tâm, chri đạo sản xuất nên vải thiều luôn có chất lượng vượt trội, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. “Vải thiều chín sớm Tân Yên luôn có chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sẽ được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng”- ông Hưng khẳng định.
Năm 2023, huyện Tân Yên năm nay có 1.340 ha vải thiều, trong đó vải thiều chín sớm là 1.170ha, sản lượng ước đạt hơn 15.500 tấn. Năm nay, huyện Tân Yên xây dựng mới được 1 vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobGAP quy mô 10ha.
Dự kiến sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 5.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều chín sớm kéo dài từ ngày 25/5 đến 25/6/2023.
“Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều tại huyện Tân Yên. Đặc biệt, hàng nghìn lượt người đã đến thăm quan, trải nghiệm vùng vải sớm kết hợp tham quan các điểm di tích trên địa bàn huyện” – ông Hưng thông tin thêm.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá cao ưu điểm của vải thiều chín sớm Tân Yên. Ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu cho biết, đơn vị đã có 5 năm gắn bó với vùng vải thiều chín sớm ở Tân Yên. “Vải thiều ở Tân Yên có lợi thế chín sớm, vị thanh không chát nên đã tạo ra đặc trưng khác biệt so với các vùng trồng vải trên cả nước”- ông Hưng nói.
Vải thiều chinh phục hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với sản lượng trung bình 320.000 – 380.000 tấn mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất vải thiều và thứ 2 thế giới về xuất khẩu loại nông sản này.
“Do chất lượng ngày càng được nâng cao, trái vải Việt Nam đã chinh phục hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ” – ông Chiến nói và cho biết ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trồng vải, trong đó có Bắc Giang – kinh đô vải thiều – để nắm bắt nhanh và sát các thông tin về tiến độ, hiệu quả thu hoạch, chất lượng trái vải, đồng thời sớm lên các phương án xúc tiến tiêu thụ quả vải ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Đánh giá về thị trường tiêu thụ vải năm nay, ông Chiến cho biết, ở thị trường trong nước, người tiêu dùng ngày càng có nhận thức và nhu cầu cao hơn về hình thức cũng như chất lượng thơm ngon của trái vải.
Ở thị trường nước ngoài, trong đó Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của trái vải Việt Nam cũng không còn dễ tính trong nhập khẩu trái vải. Trung Quốc cũng đang phát triển nhiều vùng trồng vải chất lượng cao.
“Năm nay, việc xuất khẩu vải thiều của Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thách thức do thị trường này có những yêu cầu mới với nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn trước. Việc đưa trái vải chính vụ sang Trung Quốc tiêu thụ thông qua hai cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và Kim Thành (tỉnh Lào Cai) vẫn đối diện với vấn đề ùn tắc gây giảm chất lượng quả vải” – ông Chiến lưu ý.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) đánh giá, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tốt với các đơn vị trong và ngoài nước để thúc đẩy kết nối, tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là tạo được “luồng xanh”, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái vải thiều sang thị trường Trung Quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, hội nghị là dịp để Tân Yên quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm của huyện; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, hợp tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dẫn dắt tiêu thụ thuận lợi vải sớm Tân Yên mà còn cho vải chính vụ trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Tân Yên trong việc kết nối, tiêu thụ vải thiều. Để giữ vững thương hiệu vải thiều sớm Tân Yên, ông yêu cầu huyện hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu mua, lưu thông, tiêu thụ.
Nhân dịp này, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều; các đại biểu cắt băng xuất hành chuyến xe đưa vải thiều chín sớm tiêu thụ tại thị trường trong nước, quốc tế.