Vườn trồng bưởi của gia đình ông Nguyễn Đăng Hùng, xã Đông Khê (Đông Sơn) được lắp hệ thống tưới phun sương.
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Đăng Hùng, thôn 2, xã Đông Khê (Đông Sơn) trồng được hơn 7 tháng, song cây đã cao lớn, đâm cành, bắt đầu xòe tán. Ông Hùng cho biết, sở dĩ bưởi của gia đình có được sự phát triển như vậy là do toàn bộ khu vườn đều được lắp đặt hệ thống tưới phun sương bán tự động. Việc ứng dụng các công nghệ tưới tiên tiến này vào sản xuất giúp giảm chi phí nhân công do không phải thuê lao động tưới nước. Hơn nữa, do hệ thống tưới phun sương bán tự động đưa nước đến cây trồng bằng các hạt nước nhỏ, mịn, nhẹ nhàng và đều cho cây từ lá đến thân và gốc. Vì thế, luôn cung cấp đủ nước cho cây trồng, rửa được sương muối, phòng tránh được tình trạng táp lá, cháy lá, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với diện tích cây trồng đã cho thu hoạch, có hệ thống tưới phun sương sẽ tránh được tình trạng rụng, nám quả do ảnh hưởng của sương muối.
Để chủ động được nguồn nước tưới, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm cây ăn quả, hướng đến sự phát triển bền vững, huyện Thạch Thành đã triển khai thực hiện mô hình điểm về đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến vào diện tích trồng cây ăn quả. Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, trạm khuyến nông, các cấp hội, như: Nông dân, phụ nữ, làm vườn và trang trại… lấy hiệu quả từ thực tế mô hình để phổ biến, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến vào quá trình sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện đã tiếp cận và quyết định đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm vào sản xuất. Hiện, toàn huyện có khoảng gần 200 ha cây ăn quả được ứng dụng công nghệ tiên tiến, chủ yếu tập trung ở diện tích trồng cam, bưởi, ổi…
Những lợi ích của việc đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nói chung và diện tích trồng cây ăn quả nói riêng là không thể phủ nhận. Vì vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương luôn khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến không chỉ trên đối tượng trồng cây ăn quả mà còn trên diện tích cây trồng khác. Đáng chú ý, để mở rộng diện tích cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 1 lần kinh phí xây dựng các bể đựng nước để tưới trên mặt ruộng đối với diện tích trồng mía tập trung; mua dây, khóa, van lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên mặt ruộng, mua máy bơm phục vụ tưới mía, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu, đề xuất thêm chính sách hỗ trợ đối với diện tích cây trồng có sử dụng công nghệ tưới tiên tiến. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ riêng cho diện tích cây trồng tập trung đưa ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến vào quá trình sản xuất; đồng thời, ưu tiên, tạo điều kiện về nguồn vốn vay, để các hộ dân đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến. Nhờ đó, diện tích trồng cây ăn quả được sử dụng công nghệ tưới tiên tiến trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha cây ăn quả được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tập trung tại các huyện: Thạch Thành, Như Xuân, Thọ Xuân, Triệu Sơn… Ngoài ra, còn có khoảng 1.000 ha trồng mía có sử dụng công nghệ tưới tiên tiến nhỏ giọt của Israel. Qua đánh giá thực tế cho thấy, diện tích cây ăn quả nói riêng và các cây trồng khác nói chung được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến đều cho năng suất cao hơn khoảng 30% so với những diện tích không được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến và cao hơn 50 đến 60% so với diện tích cây trồng cạn không chủ động được nước tưới.