Khi vườn thanh long trồng cách đây 10 năm đã già cỗi, anh Đoàn Văn Hòa (ấp 5, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) chuyển sang trồng na Thái (mãng cầu Thái).
Sau khi nghiên cứu trên mạng và học hỏi từ một người bạn, cuối năm 2019, anh Hòa quyết định lên mô trên phần đất 4.000m2 và mua 800 cây na Thái từ tỉnh Bến Tre về trồng. Tổng chi phí đầu tư ban đầu gần 40 triệu đồng.
Anh Đoàn Văn Hòa, (ấp 5, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bón phân cho cây na Thái
Cây giống đem về trồng phát triển tốt. Năm đầu tiên, anh Hòa cắt cành, tạo tán 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng. Khi cây na Thái có nụ lần đầu, anh chỉ giữ lại mỗi gốc 1-2 trái, tùy theo độ lớn của cây.
Na Thái cho trái to, trọng lượng lớn hơn na truyền thống của Việt Nam.
Sau khi thu hoạch đợt đầu tiên, anh tiếp tục cắt cành, tạo tán cho na Thái. Đến năm 2022, vườn na Thái trên 2 năm tuổi cho thu hoạch 3,5 tấn, bán giá bình quân 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, anh còn lãi 100 triệu đồng.
Anh Hòa cho biết: “Trồng na Thái tương đối nhàn. Lúc na Thái chưa cho trái thì bón khoảng 1kg phân vi sinh gà viên cho mỗi gốc trong thời gian từ 1-3 tháng. Khi trái lớn hơn thì bón 2 lần phân Đức tím và một ít phân kali trắng để trái bóng, đẹp và tăng độ ngọt. Ngoài ra, tôi còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt dưới gốc khoảng 25 triệu đồng”.
Nhờ hiệu quả từ vườn na Thái, hiện nay, kinh tế gia đình anh Hòa đã ổn định. Đây cũng là thành quả nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp của anh Hòa.