Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa ban huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) mạnh dạn đầu tư vốn để cải tạo vườn tạp, đất bờ bao, bờ vuông để thực hiện mô hình trồng dừa xiêm lùn nhằm tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Nhờ mô hình trồng dừa xiêm lùn này mà những năm qua, gia đình anh Trần Tuấn Kiệt, ở ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cuộc sống không chỉ thoát cảnh khó khăn, túng thiếu mà còn từng bước vươn lên khấm khá hơn.
Anh Trần Tuấn Kiệt đang thu hoạch dừa xiêm lùn để bán cho thương lái. Vườn dừa xiêm lùn, trong đó có những cây dừa xiêm đỏ của gia đình anh ở ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Nhiều năm trước, gia đình anh Trần Tuấn Kiệt, ở ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh chỉ trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng, trồng hoa màu, thu nhập tạm ổn định
Tuy nhiên, phần đất bờ bao còn bỏ trống chỉ có cỏ, sậy mọc um tùm. Sau khi địa phương tuyên truyền, phát động cải tạo vườn tạp, đất hoang đưa vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và nhất là sau những lần đi tìm hiểu, học hỏi một số mô hình sản xuất có hiệu quả, anh Tuấn Kiệt quyết định thực hiện mô hình trồng dừa xiêm lùn trên đất bờ bao của gia đình.
Đầu năm 2015, anh Tuấn Kiệt tiến hành nạo vét các kênh mương và bồi đắp các bờ bao xung quanh diện tích đất của gia đình mình gần 2 ha để trồng dừa xiêm lùn.
Lúc đầu, anh trồng khoảng 70 gốc và sau khoảng 2 năm rưỡi dừa bắt đầu có trái. Năm đầu tiên thu hoạch, anh Tuấn Kiệt có lãi trên 25 triệu đồng. Thấy trồng dừa cho thu nhập cao so với một số cây ăn trái khác, chi phí đầu tư cũng không cao, công chăm sóc không nhiều, ít rủi ro, sai trái, dễ bán, giá cả ổn định nên anh Tuấn Kiệt tiếp tục cải tạo hết phần đất bờ bao của gia đình còn lại và mua thêm 80 cây dừa xiêm lùn giống về trồng.
Đến nay, số dừa trồng sau cũng gần 3 năm và đang trong thời kỳ thu hoạch trái. Dừa xiêm gia đình anh trồng có 3 loại khác nhau là dừa xiêm lục, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm dứa. Giống dừa nào cũng cho trái to, nước nhiều và ngọt nước. Trung bình mỗi gốc dừa trong 1 năm cho thu hoạch từ 150 đến 200 trái, có gốc gần 300 trái.
Những cây dừa xiêm đỏ của gia đình anh Kiệt đang trong thời kỳ ra trái.
Hiện nay, mỗi ngày gia đình anh Tuấn Kiệt hái từ 5 đến 7 chục (50 đến 70) trái dừa tươi để bán, mỗi trái bán với giá tù 8.000 đến 10.000 đồng.
Những ngày trời nắng nóng, người đi đường mua dừa tươi rất nhiều, một ngày gia đình anh Kiệt có thu nhập tiền bán dừa tươi khoảng 400.000 đồng, 1 năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa trên cùng diện tích, trồng dừa xiêm lùn có mức thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần.
Anh Tuấn Kiệt cho biết: “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ vùng đất này trồng dừa xiêm lùn chậm phát triển, do nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Nhưng khi trồng rồi mới thấy dừa xiêm lùn là loại cây trồng chịu phèn cao, trồng đơn giản, đất cao là trồng phát triển nhanh, cho thu hoạch thường xuyên, trồng 1 lần thu hoạch được nhiều năm…”.
Theo anh Kiệt, nếu so với các loại cây ăn trái khác, trồng dừa xiêm lùn cho thu nhập ổn định hơn. Để trồng dừa xiêm lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao, mặt đất trồng phải cao ráo, màu mỡ, khoảng cách trồng giữa mỗi cây từ 4 đến 5 mét. Khi dừa trồng từ 1 đến 3 tuổi, mỗi năm nên bón phân từ 2 đến 3 lần, chủ yếu là phân NPK và DAP và bón vào khoảng tháng 5 và tháng 6 âm lịch.
Trước khi bón, 2 loại phân này nên trộn đều nhau, rồi dùng dá xới xung quanh gốc dừa sau đó tiến hành bón phân. Khi bón phân xong, nên lắp đất lại để khi trời mưa phân không bị trôi.
Ngoài ra, cũng có thể rải phân xung quanh gốc dừa sau đó lấy bùn dưới kênh mương bồi lên gốc. Khi thấy đất trồng dừa bị nhiễm phèn có thể bón từ 1 đến 2 kg vôi vào mỗi gốc dừa tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất.
Tốt nhất là nên bỏ vôi sau những cơn mưa đầu mùa. Đối với những gốc dừa nằm trên bờ đất cao, vào mùa khô nên tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho đất và giúp dừa có trái sai hơn”.
Anh Kiệt ươm dừa xiêm lùn giống để bán.
Ngoài trồng dừa xiêm lùn bán trái, gia đình anh Tuất Kiệt mỗi năm ươm vài trăm trái dừa giống bán. Mỗi trái dừa xiêm lùn giống loại nhỏ bán được 25.000 đồng/trái, loại lớn có giá bán 35.000 đồng/trái, có bao nhiêu bán cũng hết.
Hiện nay, bà con nông dân trong huyện U Minh trồng dừa xiêm lùn trên các liếp bờ bao trên phần đất của gia đình ngày càng nhiều nên dừa giống không sợ ế.
Thời gian gần đây, tại nhà anh Tuấn Kiệt lúc nào cũng có từ 100 đến 200 trái dừa xiêm lùn giống để cung cấp giống cho bà con nông dân trong khu vực khi có nhu cầu.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, người hàng xóm với anh Tuấn Kiệt – nhận xét: “Trong ấp 11, xã Khánh Tiến hiện có nhiều hộ nông dân trồng dừa xiêm lùn, nhưng hộ anh Trần Tuấn Kiệt có diện tích trồng lớn và có hiệu quả kinh tế cao…”.
Theo anh Sơn, những năm qua, nhờ mô hình trồng dừa xiêm lùn mà kinh tế gia đình anh Tuấn Kiệt ngày một khấm khá hơn.
Bên cạnh trồng dừa, anh Tuấn Kiệt còn kết hợp trồng lúa, nuôi cá đồng để tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ trồng dừa xiêm lùn đem lại kinh tế cao cho gia đình.
Anh Tuấn Kiệt sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích bà con trong xóm ấp tận dụng đất trống, vườn tạp, bờ bao, bờ vuông trồng dừa xiêm lùn để tăng thu nhập, cải thiện cho kinh tế gia đình và từng bước vươn lên xóa nghèo bền vững ở địa phương…