Trồng 2.500 m2 táo trong nhà màng, anh nông dân tại ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai mỗi ngày đều hái táo chín mỏi tay, quả nào quả nấy to như quả trứng ngỗng, không đủ bán cho người dân quanh vùng.
Trồng táo trong nhà màng
Nhận thấy vườn xoài già cỗi, sản lượng kém, thu nhập thấp nên anh Nguyễn Đức Toàn, ngụ ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai mạnh dạn chuyển đổi qua trồng táo.
Bước đầu, mô hình trồng táo trong nhà màng của anh cho hiệu quả kinh tế rất cao, tăng gấp 3 – 4 lần trồng xoài, giúp gia đình anh Toàn có thu nhập ổn định.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, anh Toàn cho biết khoảng 1 năm trước, khi cây ăn trái trong vườn nhà ngày càng cho năng suất kém, anh cùng cha ruột đã bàn bạc với nhau tìm một loại cây ăn trái mới để thay đổi.
Nghĩ là làm nên cha con anh Toàn cùng nhau khăn gói đi nhiều nơi, tìm kiếm mô hình, học hỏi cách làm hay từ các hộ nông dân khác. Cuối cùng cả hai quyết định lựa chọn cây táo để thay thế cho một số cây xoài đã già.
Vào tháng 10/2022, anh đã quyết định đầu từ gần 200 triệu lắp ráp nhà màng để trồng táo trên diện tích 2.500 m2 ven nhà. Bước đầu vườn táo trong nhà màng đã cho hiệu quả kinh tế cao, thu hoạch không kịp để bán vì nhu cầu người mua cao.
“Lúc đầu khi mới trồng táo tôi và gia đình rất lo lắng đầu ra vì địa phương chưa có ai trồng táo nhưng khi táo có trái ăn thấy ngon, ngọt nên tôi thấy tự tin để giới thiệu bán cho mọi người. Dần dần người dân trong vùng, khách du lịch biết đến vườn táo của gia đình tôi nên chủ động đến mua, táo hái ra bao nhiêu cũng không đủ bán”, anh Toàn cho hay.
Theo anh Toàn, táo rất nhanh thu hoạch, vườn anh mới trồng sau hơn 8 tháng đã bắt đầu cho trái bói nhưng số lượng khá nhiều. Hiện nay, trung bình mỗi ngày anh thu được khoảng 300 kg táo, bán với giá 30.000 đồng/kg. “Táo mới cho trái bói, chín lác đác nên thu về sản lượng táo còn ít, nếu khi táo phủ đủ sàn thì sản lượng có thể đạt 10 tấn/1 năm”, anh Toàn nói.
Chia sẻ về việc chăm sóc cây táo, anh Toàn cho biết táo dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển khá tốt. Táo ở đây đang được chăm sóc thuần tự nhiên, chưa cần can thiệp tăng độ ngọt hay bất kỳ khâu chăm sóc nào phức tạp. Bởi vì đất ở đây có độ phủ kali cao nên táo rất ngọt, khách mua táo ăn 1 lần đều quay lại mua lần khác, nhiều người còn dặn để có sẵn táo khi tới mua.
“Táo tôi trồng trong nhà màng, hạn chế sâu bệnh, ruồi vàng tấn công nên sản phẩm rất chất lượng. Hơn nữa táo này tôi còn tạo dàn, kiểm soát được độ cao của táo nên người nhà có thể dễ dàng thu hoạch vì đúng tầm với, không quá khó khăn”, anh Toàn nói thêm.
Cũng theo anh Toàn, bản thân anh mong muốn sắp tới sẽ thử trải nghiệm nhiều loại cây khác để cải thiện thu nhập của gia đình.
Bởi thực tế táo cho giá trị gấp 3 – 4 lần xoài. Trước đây với diện tích này nếu trồng xoài chỉ thu về khoảng 30 – 40 triệu đồng. Riêng táo với tính toán hiện nay, trên diện tích đất khiêm tốn, trung bình mỗi năm số tiền anh Toàn kiếm được có thể lên đến hàng trăm triệu.
Tuy nhiên, do đất của gia đình anh Toàn là đất nhận khoán từ Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nên việc chuyển đổi cây trồng phải được Khu bảo tồn đồng ý cho phép. Anh Toàn cũng hứa bản thân sẽ không giấu nghề, nếu bà con nào muốn học hỏi kinh nghiệm trồng táo tại địa phương anh sẵn sàng chia sẻ.
Về mô hình trồng táo trong nhà màng, chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Ngọc Biên, cán bộ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai nói: “Địa phương rất quan tâm đến mô hình trồng táo và nhận thấy táo phát triển khá tốt với thổ nhưỡng ở đây. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng cho nhân rộng mô hình này tới các ấp khác để người dân có cuộc sống, thu nhập ổn định hơn”.
Theo ông Biên, thực tế đất địa phương đa phần nằm trong vùng do Khu bảo tồn quản lý nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải xin phép. Dẫn đến nhiều năm qua người dân ở đây chủ yếu chỉ trồng xoài, không phát triển chăn nuôi…
“Thời gian tới chúng tôi hi vọng các cấp tạo điều kiện để bà con chuyển đổi cây trồng sang những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Điều này sẽ phần nào giúp bà con nông dân có cuộc sống ổn định lâu dài hơn”, ông Biên trần tình.