Trồng nhãn Thái Ido ở Đồng Nai kiểu gì mà cây thấp tè đã ra đầy trái, nhiều người đến xem?

Chọn hướng khởi nghiệp riêng, anh Nguyễn Minh Phúc (34 tuổi, ngụ khu phố Ruộng Lớn, phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã mạnh dạn tiên phong đưa giống nhãn Thái IDO về trồng tại vùng đất Long Khánh.

Mô hình trồng nhãn Thái IDO bằng công nghệ cao của anh Phúc đã được thực hiện hơn 3 năm nay và đang có nhiều triển vọng phát triển. 

Địa phương rất quan tâm đến mô hình mới này, luôn tạo điều kiện cho anh Phúc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư làm ăn vươn lên.

Chọn hướng khởi nghiệp “không đụng hàng”

Các hội viên, đoàn viên của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên phường Bảo Vinh vừa đến tham quan mô hình trồng hơn 400 gốc nhãn Thái IDO trong diện tích rộng 8 ngàn m2 của anh Phúc. 

Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật tiến bộ vào khâu trồng, chăm sóc nên cây nhãn ngày càng phát triển tươi tốt. Hiện vườn nhãn hơn 3 năm tuổi chuẩn bị cho thu hoạch trái mùa thứ 2.

Tự tay hái những chùm nhãn sạch, tươi ngon để mời khách thưởng thức, anh Phúc chia sẻ: “Trái nhãn có to, ngon ngọt là nhờ vào kinh nghiệm chăm sóc của nhà vườn nhưng điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng cũng góp phần quan trọng vào chất lượng trái, đặc biệt là nâng cao năng suất sản phẩm”.

Nhớ lại buổi đầu khởi nghiệp, anh Phúc kể, quê ở miền Tây Nam bộ, anh theo gia đình đến khu phố Ruộng Lớn, phường Bảo Vinh (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) sinh sống từ năm 11 tuổi. 

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh lên TP HCM theo học nghề thiết kế đồ họa rồi ra trường tự tìm việc làm tại thành phố. 

Anh làm việc được khoảng 3 năm thì quyết định nghỉ vì cảm thấy điều kiện sống cũng như tính chất công việc không phù hợp với bản thân. Sau đó, anh quyết định rời nơi phố thị để trở về quê nhà Long Khánh làm nông nghiệp.

Trồng nhãn Thái Ido ở Đồng Nai kiểu gì mà cây thấp tè đã ra đầy trái, nhiều người đến xem?- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Minh Phúc (phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng nhãn Thái IDO. Vườn nhãn Ido của anh Phúc ở phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: T.Nhân.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn rộng 1,4ha của gia đình, anh Phúc cho biết, trước đây cha mẹ anh đã dùng khu đất này trồng lúa nhưng tình trạng lúa “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra. Gia đình anh sau đó có chuyển đổi qua trồng một số loại cây khác như: ổi, dừa, mít…, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cũng không cao.

Sau này, khi cha mẹ giao tiếp quản khu vườn, anh Phúc bắt đầu nghĩ đến hướng đi mới để việc làm vườn cây đạt hiệu quả tốt hơn. 

“Tôi còn trẻ nên muốn làm gì đó mới và có chiến lược lâu dài chứ không chạy theo trào lưu để rồi phải đối mặt với tình trạng “trồng chặt, chặt trồng” không được bền vững” – anh Phúc bộc bạch.

Trong những lần về thăm quê ở miền Tây, anh Phúc thấy bà con nông dân ở đây áp dụng trồng nhãn Thái IDO rất thành công, nhiều người nhờ mô hình này đã vươn lên khấm khá. Do vậy, anh đã quyết định chọn mô hình này để khởi nghiệp.

“Mọi sự khởi đầu nan”, mặc dù anh Phúc đã chuẩn bị kỹ về những kiến thức liên quan đến mô hình trồng nhãn Thái IDO nhưng khi bắt tay vào làm vẫn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, mưa gió mạnh khiến cho cây trồng gãy nhánh hoặc bật gốc; thời tiết thay đổi thất thường khiến cho cây bị ảnh hưởng đến việc ra hoa, kết trái…

Anh Nguyễn Minh Phúc chia sẻ kinh nghiệm, làm nông nghiệp cũng giống như những ngành nghề khác là đều trải qua những lúc gian nan, thử thách. Quan trọng là người nông dân phải biết tính toán làm ăn, không ngại vất vả, kiên trì, bền bỉ chứ đừng chạy theo phong trào “trồng chặt, chặt trồng” là không hiệu quả.

Năm 2022, vườn nhãn cho thu hoạch vụ đầu tiên chỉ đạt hơn 3 tấn, giá nhãn lúc bấy giờ là 30 ngàn đồng/kg thì thu nhập mang lại hơn 90 triệu đồng. 

“Thời gian đầu, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa thể khắc phục được những sự cố do thời tiết gây ra nên sản lượng làm ra không đạt được như ý muốn. Dù vậy, tôi đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, áp dụng cho vụ sau tốt hơn” – anh Phúc tâm sự.

Nhờ vào năng lực của bản thân, đồng thời còn nhận được sự động viên, ủng hộ rất lớn từ phía gia đình, anh Phúc đã thành công, vườn nhãn sinh trưởng, phát triển tốt và cho sản lượng ngày càng cao. 

Hiện vườn nhãn chuẩn bị cho thu hoạch vụ thứ 2 với sản lượng ước tính từ 3,5-4 tấn trái. Giá nhãn năm nay cũng tăng cao hơn so với năm trước, thương lái đến mua tại vườn với giá 35 ngàn đồng/kg nên giúp cho gia đình anh có thu nhập cao hơn. 

“Vườn nhãn thường cho năng suất ổn định bắt đầu từ năm thu hoạch thứ 3 trở đi với sản lượng khoảng 10 tấn/ha” – anh Phúc tâm sự.

Bên cạnh trồng nhãn, anh Phúc còn làm mô hình trồng dưa lưới với diện tích 1 ngàn m2 để thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” là dùng nguồn thu nhập từ dưa lưới đầu tư vào vườn nhãn. 

“Mô hình trồng dưa lưới của gia đình đã cho thu hoạch được 2 vụ, sau khi trừ các chi phí còn lời được khoảng 70 triệu đồng/vụ. Tôi đang tiếp tục đầu tư thêm 2 nhà dưa lưới để nâng tổng diện tích của mô hình lên 3 ngàn m2 nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình” – anh Phúc cho hay.

Phát triển mô hình nhiều triển vọng

Song song với việc đầu tư các mô hình, anh Phúc còn tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách đăng thông tin lên Zalo, Facebook cá nhân. 

Các ban, ngành, đoàn thể địa phương rất quan tâm ủng hộ bằng cách chia sẻ mô hình làm ăn hiệu quả đến rộng rãi cộng đồng dân cư. Nhờ đó, mô hình trồng nhãn của anh ngày càng được nhiều người gần xa biết và tìm đến mua sản phẩm.

Trồng nhãn Thái Ido ở Đồng Nai kiểu gì mà cây thấp tè đã ra đầy trái, nhiều người đến xem?- Ảnh 2.

Các hội viên, đoàn viên của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên phường Bảo Vinh (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) tham quan mô hình trồng nhãn Thái IDO của anh Nguyễn Minh Phúc.

Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Phúc được áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đặc biệt việc sử dụng hệ thống điện, nước tưới tự động giúp thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc. 

Hơn nữa, anh làm mô hình theo phương pháp sinh học, tức dùng phân hữu cơ kích ngọn phát triển, nuôi rễ ra nhiều và dùng thuốc sinh học để phòng ngừa bệnh cho cây. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo sạch và an toàn.

“Giống như các loại cây ăn trái khác, nhãn Thái IDO cũng có một số loài sâu bệnh gây hại đi kèm nên người trồng phải nắm rõ và chủ động phòng ngừa bằng thuốc sinh học để tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng” – anh Phúc chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo anh Phúc, hiện mô hình trồng nhãn Thái IDO bằng công nghệ hiện đại đang có nhiều triển vọng, đầu ra của sản phẩm thường xuyên ổn định. Vì vậy, kế hoạch trong thời gian tới của anh là sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Chủ tịch Hội Nông dân P.Bảo Vinh Nguyễn Thành Ngọc cho biết, địa phương hiện có gần 600ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và cây ngắn ngày. 

Thời gian qua, Hội Nông dân phường rất quan tâm và luôn tạo điều kiện cho những nông dân chọn hướng khởi nghiệp bằng các mô hình mới trên địa bàn phường. 

Anh Nguyễn Minh Phúc là một trong những điển hình đáng được biểu dương vì tự anh về miền Tây học tập kinh nghiệm mô hình trồng nhãn Thái IDO để về áp dụng tại vùng đất Long Khánh. Mô hình này đang đem lại hiệu quả ban đầu rất khả thi.

Bên cạnh việc theo dõi, động viên, khích lệ, Hội Nông dân P.Bảo Vinh còn liên hệ với Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ cho anh Phúc làm thủ tục vay vốn với số tiền 100 triệu đồng dùng vào đầu tư làm ăn. 

Thời gian tới, Hội sẽ xây dựng dự án Quỹ hỗ trợ nông dân và vận động nguồn cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm giúp anh Phúc có điều kiện đầu tư 2 mô hình: nhãn và dưa lưới thật bài bản, hiệu quả.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Bảo Vinh, TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Thành Ngọc nhận xét, ngoài làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Minh Phúc còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Hội Nông dân phường phát động như: làm vệ sinh môi trường vào ngày thứ bảy; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn và sinh hoạt tại các chi, tổ, Hội Nông dân…

Tin Liên Quan