Cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm và vào mùa thu hoạch thì “bán sướng hơn đi bán vàng”. Bởi bán vàng mình phải mang đi tiệm, còn mắc ca thì thương lái đến tận vườn đặt cọc tiền trước để được thu mua.
Đó là chia sẻ từ ông Đặng Văn Khánh đang có 5 ha mắc ca tại xã miền núi Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Trong đó, vườn hơn 500 cây trồng năm 2012 cho thu hoạch đều đặn 5 năm nay, doanh thu mỗi năm không dưới 200 triệu đồng.
Thương lái ôm tiền đến vườn đặt cọc thu mua
Ông Khánh là người đầu tiên trồng cây mắc ca ở Vĩnh Sơn. Cơ duyên đến với cây trồng có hạt được mệnh danh là “nữ hoàng hạt quả khô” đến từ sau chuyến đi Đắk Lắk năm 2012 thăm quan vườn mắc ca. Ông Khánh mua hơn 500 cây đưa về địa phương trồng thử nghiệm. Ông Khánh nổi tiếng là người tiên phong đưa giống cây mới về địa phương, giúp đồng bào dân tộc Bana phát triển kinh tế nhưng đều là cây trồng ngắn ngày nên chỉ đạt hiệu quả trong vài ba năm đầu.
“Tôi trồng thử nghiệm hàng trăm loại cây từ ngô, lúa, đậu đến cây ăn quả như bơ, xoài, sầu riêng, măng cụt…nhưng đến giờ thì không có cây nào vượt qua mắc ca”, ông Khánh quả quyết.
Theo ông Khánh, mắc ca trồng trên đất đồi Vĩnh Sơn lớn nhanh, ít sâu bệnh. Đến năm thứ 5 trở đi, cây trổ hoa rất dày, đậu nhiều trái. Đặc biệt, 10 năm nay, vườn cây mắc ca chưa từng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí đầu tư chủ yếu là thuê nhân công cắt cỏ, mua phân bò bón cây. “Chi phí vụ năm ngoái tốn hơn 10 triệu đồng nhưng tiền bán mắc ca thu về hơn 200 triệu đồng”, ông Khánh tiết lộ.
Điểm khác biệt của mắc ca với nhiều loại cây trồng khác mà ông Khánh tâm đắc, khẳng định “chưa có cây nào đấu được với mắc ca” là ở khâu tiêu thụ. Năm 2021, giá mắc ca bán sô từ 75.000 – 80.000 đồng/kg, còn hàng loại 1 giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. “Từ khi vườn mắc ca cho thu hoạch đến giờ, tôi chưa bán một kg ra bên ngoài khi có thương lái mua tại vườn. Thông thường, trước khi thu hoạch 1 – 2 tháng, thương lái sẽ đi thăm vườn và ôm tiền đặt cọc luôn. Tôi thấy bán mắc ca còn sướng hơn bán vàng, bởi bán vàng, mình phải đến tiệm, còn mắc ca thương lái đến tận vườn thu mua”, ông Khánh ví von.
Mỗi gia đình trồng 1 ha mắc ca, đời sống sẽ khá giả
Vườn mắc ca của ông Khánh là minh chứng sinh động nhất thuyết phục nhiều hộ gia đình ở Vĩnh Sơn chuyển đổi cây trồng. Một trong số đó là ông Dương Công Thức – người từng là nhân công làm thuê cho ông Khánh và hiện đã có gần 3 ha trồng mắc ca.
“Những cây mắc ca đầu tiên đưa từ Đắk Lắk về đây do tay tôi trồng và chăm sóc, thấy ông Khánh trồng mà mê nhưng khổ nỗi năm đó, tôi nuôi 3 con học đại học, không có tiền mua cây”, ông Thức kể lại và nói tiếp: “Mãi đến đầu năm 2021, các con ra trường, có công ăn việc làm. Gia đình bán đồi keo được hơn 100 triệu đồng, tôi quyết định mua gần 1.000 cây mắc ca về trồng thay thế keo lai”. Đến nay, một số cây mắc ca của ông Thức bắt đầu trổ hoa.
Câu chuyện ông Khánh trồng cây mắc ca cũng truyền cảm hứng cho rất nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số Bana. Theo UBND xã Vĩnh Sơn, đến nay diện tích mắc ca đã tăng lên hơn 40 ha, phần lớn các hộ là những đôi bạn trẻ mới lập gia đình được ông Khánh tư vấn và chọn mắc ca là cây trồng khởi nghiệp.
“Tôi vẫn nói với anh em thanh niên mới lập gia đình, Nhà nước có chính sách vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng thì cứ mạnh dạn mà vay. Trong đó, 30 triệu mua giống trồng được 1 ha mắc ca. 20 triệu còn lại mua 2 con bê cái. Nuôi 5 năm sau, 2 con bê giúp đủ trả nợ ngân hàng, còn vườn mắc ca sẽ nuôi tới đời con cháu. Tôi suy nghĩ đơn giản thế thôi mà số anh em thanh niên làm theo ý tưởng này cũng không phải là ít. Nếu trồng sắn, lúa rẫy, keo…chỉ giúp đời sống tạm ổn thôi. Nhưng nếu mỗi gia đình trồng 1 ha hoặc 5 sào thôi thì dứt khoát đời sống bà con sẽ khá giả, thay đổi”, ông Khánh kể.
Trực tiếp thăm vườn của ông Đặng Văn Khánh, ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam ngỡ ngàng khi mắc ca ở đây ra quả rất sai. Cũng theo ông Nguyễn Lân Hùng, thực tế nghiên cứu và khảo nghiệm ở các huyện miền Trung giáp với Tây Nguyên có điều kiện thời tiết thuận lợi trồng mắc ca. Các địa phương, nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đang trồng ngô, keo, sắn…hiệu quả kinh tế rất thấp sang trồng mắc ca, đây là loại cây giá trị kinh tế cao, giúp nông dân có thu nhập cao hơn.
“Ngay tại mô hình của ông Khánh, cùng một diện tích đất ấy nhưng khi đưa mắc ca vào thì hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng sắn, trồng keo. Ở miền Trung, muốn biết xem địa phương có đủ điều kiện trồng được mắc ca không, bà con cứ liên hệ với chúng tôi, Hiệp hội mắc ca Việt Nam sẽ cử cán bộ xuống tận nơi khảo sát, nếu thời tiết phù hợp sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trồng mắc ca”, ông Hùng nói.
Trồng mắc ca được vay vốn trong 10 năm, không cần sổ đỏ
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đang cho nông dân vay vốn ưu đãi để trồng mắc ca. Cụ thể, gói vay này được ân hạn 5 năm và tổng thời gian trả vốn, lãi lên tới 10 năm Trong 5 năm đầu tiên, nông dân không phải lo lắng trả lãi suất, vốn. Bắt đầu từ năm thứ 6, cây mắc ca cho thu hoạch, nông dân bắt đầu trả lãi, vốn và kéo dài đến năm thứ 10. Trong gói vay này, LienVietPostBank không yêu cầu nông dân phải thế chấp sổ đỏ khi làm thủ tục vay vốn và mỗi hộ được vay ưu đãi tối đa để trồng 2 ha.