Trồng loại quả ngon, đồi đẹp như phim, một thanh niên Lai Châu lãi 300 triệu/vụ

Chỉ với 3.000m2 đất, trồng dâu tây theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp làm du lịch, anh Đỗ Văn Tuấn – Bí thư Huyện đoàn Than Uyên (Lai Châu) lãi trên dưới 300 triệu đồng mỗi vụ.

Cải tạo đồi tạp trồng dâu tây theo tiêu chuẩn VietGAP

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dâu tây phía sau nhà, chỉ vào những quả dâu tây chín đỏ, bắt mắt, anh Tuấn vui vẻ giới thiệu: Đây là giống tây Hana, được lấy từ Đà Lạt về trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên khá đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều du khách rất thích thú khi đến thăm quan, trải nghiệm hái và ăn dâu tây ngay tại vườn.

Trồng loại quả ngon, đồi đẹp như phim, một thanh niên Lai Châu lãi 300 triệu/vụ- Ảnh 1.
Anh Đỗ Văn Tuấn – Bí thư Huyện đoàn Than Uyên (Lai Châu) mạnh dạn cải tạo đồi tạp để trồng dâu tây. (Ảnh: Thanh Ngân)

Đúng như lời giới thiệu của anh Bí thư Huyện đoàn năng động, vườn dâu tây của anh Tuấn ở bản Mé (Mường Cang, Than Uyên) luống nào, luống nấy cũng thẳng tắp, sạch sẽ. Trên mặt luống được phủ lớp nilon, chi chít những quả dâu tây chín mọng, thơm ngon, ai thấy cũng mê.

Qua câu chuyện với anh Tuấn, được biết: Năm 2016, anh Tuấn bắt đầu trồng thử nghiệm dâu tây. Qua một người chị ở trong Đà Lạt, anh lấy mấy chục cây giống dâu tây cấy mô về trồng thử tại vườn nhà. Sau một thời gian chăm sóc, số cây dâu tây trồng thử nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt, ra quả to, đẹp, ăn ngon.

Năm 2018, anh Tuấn quyết định nhân rộng diện tích. Được mẹ vợ cho mượn mảnh đồi tạp sau nhà, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, anh Tuấn thuê máy san gạt, cải tạo để trồng dâu tây.

Trồng loại quả ngon, đồi đẹp như phim, một thanh niên Lai Châu lãi 300 triệu/vụ- Ảnh 2.
Anh Tuấn trồng dâu tây theo tiêu chuẩn VietGAP. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chỉ vào vườn dâu tây rộng rãi, anh Tuấn cho hay: Khu đất này trước đây là đồi tạp, rộng chừng 3000m2. Năm 2018, tôi cải tạo lại song không dám làm hết diện tích, mà chỉ trồng 2000m2. Qua một vụ trồng, nhận thấy cây dâu tây cho giá trị kinh tế cao, tôi mới tiếp tục nhân rộng lên 3000m2. Thay vì mua ngó về trồng, tôi lấy cây cấy mô về trồng và tự nhân giống. Tôi mua giống dâu tây Hana tít trong thành phố Đà Lạt về trồng đấy.

Vì là người đầu tiên trồng dâu tây ở Than Uyên nên anh Tuấn phải tự mầy mò học hỏi qua sách, báo và vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Và anh đã thành công khi cây dâu tây Hana sinh trưởng, phát triển tốt trên đất mới. Đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, nên anh Tuấn tuân thủ nghiêm ngặt các khâu, từ làm đất cho đến trồng và chăm sóc. Anh Tuấn trồng dâu tây theo tiêu chuẩn VietGAP. Vườn dâu tây của anh Tuấn cũng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2019.

Trồng loại quả ngon, đồi đẹp như phim, một thanh niên Lai Châu lãi 300 triệu/vụ- Ảnh 3.
Anh Tuấn trồng dâu tây kết hợp với làm du lịch. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo anh Tuấn, trồng dâu tây yêu cầu khắt khe về kĩ thuật. Nếu chăm sóc không tốt thì sản lượng sẽ không cao, quả dâu tây cũng không to, đẹp, thơm ngon.

“Bỏ túi” trên dưới 300 triệu đồng từ trồng dâu tây

“Cái khó nhất là thuần cây giống cấy mô. Vì khí hậu ở Đà Lạt và Than Uyên khác nhau, nên khi vận chuyển cây giống từ Đà Lạt ra sẽ không tránh khỏi bị sốc nhiệt. Nắm bắt được điều này, nên khi cây giống được đưa từ Đà Lạt ra, tôi để chúng ở nơi dâm mát 2 ngày, sau đó mới đưa cây giống ra tập nắng cho quen với thời tiết nơi mới khoảng 2 tuần. Khi đưa ra trồng, tôi phủ lưới đen toàn bộ, sau đó nâng dần việc tiếp sáng cho cây giống” – Bí thư Huyện đoàn Than Uyên cho hay.

Chia sẻ về quy trình kĩ thuật trồng dâu tây, anh Tuấn vui vẻ nói: “Trước khi trồng dâu tây, cần phải làm đất tơi xốp, lên luống cao từ 35-40cm, để khi cây ra quả không bị chạm đất. Tôi thường trộn phân chuồng ủ hoai mục, phân lân và vôi với đất tơi xốp, sau đó lên luống và đưa cây giống vào trồng. Luống trồng dâu tây được phủ kín nilon. Sau khi trồng, cứ cách 1 tuần tôi lại cho chúng “ăn” phân cá một lần. Cách 1 tháng sau trồng thì tôi sử dụng phân chuối bón cho vườn dâu tây”.

Trồng loại quả ngon, đồi đẹp như phim, một thanh niên Lai Châu lãi 300 triệu/vụ- Ảnh 4.
Vườn dâu tây của gia đình anh Tuấn đang độ thu hoạch, quả sai chi chít, ai thấy cũng mê. (Ảnh: Thanh Ngân)

Được biết, anh Tuấn đưa cây giống cấy mô vào trồng để nhân giống từ tháng 5 hằng năm. Anh Tuấn dùng viên nén sơ dừa để nhân giống bằng cách tách ngó. Thay vì tách được cây nào trồng cây nấy, anh Tuấn ủ thành bãi, sau đó mới đưa ra trồng đồng loạt vào tháng 10.

Cùng với việc tuân thủ quy trình bón phân, anh Tuấn sử dụng các sản phẩm thảo mộc kháng vi rút và phòng trừ sâu bệnh cho vườn dâu tây. Từ khi trồng đến khi thu hoạch, cứ cách 2 tuần anh Tuấn lại xử lý một lần, để kiểm soát sâu bệnh hại vườn dâu tây.

Anh Tuấn cho vườn dâu tây “ăn” phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới nước đều đặn mỗi ngày cho dâu tây vào buổi sáng. Được chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật, vườn dâu tây của anh Tuấn sinh trưởng, phát triển tốt. Sau hơn 2 tháng trồng, vườn dâu tây của anh Tuấn đã cho lứa quả đầu tiên. Thời gian cho thu quả kéo dài khoảng 3 tháng.

“Tôi bắt đầu mở vườn dâu tây cho khách đến thăm quan, trải nghiệm hái dâu tây tại vườn từ ngày mồng 1 tết nguyên đán hằng năm. Mỗi ngày, vườn dâu tây của gia đình tôi thu hút từ 100 – 150 lượt khách đến thăm quan, hái quả dâu tây. Làm theo cách này, quả dâu tây bán được giá cao và ổn định hơn, khoảng 150.000 đồng/kg. Mỗi vụ, gia đình tôi lãi trên dưới 300 triệu đồng từ vườn dâu tây này đấy” – anh Tuấn thông tin.

Tin Liên Quan