Trên nhiều diện tích trồng cà phê, cao su lâu năm, già cỗi và một phần diện tích trồng tiêu không hiệu quả ở xã Ea Tar, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), nông dân ở đây cũng mạnh dạn phá bỏ, trồng xen cây sầu riêng Dona và bơ booth.
Những năm trở lại đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là cây ăn quả được nông dân huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) tích cực thực hiện. Bà con còn nhanh nhạy nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.
Hơn 7 năm trở về trước, chị Triệu Thị Châu (dân tộc Dao, thôn 3, xã Cư Suê) không dám nghĩ trên diện tích 2,5 ha vườn cây của gia đình mình mỗi năm có thu nhập hơn 400 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí như hiện nay.
“Quả ngọt” này có được là nhờ chị đã mạnh dạn phá bỏ những cây cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng xen tiêu, bơ Booth và sầu riêng.Trồng hồ tiêu, sầu riêng xen trong vườn cà phê mang lại thu nhập khá cho hộ chị Triệu Thị Châu (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk).
Trong quá trình trồng, chị tham gia các lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, chăm sóc đúng cách nên vườn cây ngày càng xanh tốt, năng suất tăng dần qua các năm.
Theo chị Châu, những năm gần đây, diễn biến thời tiết phức tạp, giá cả thị trường biến động, nhưng nhờ việc trồng đa cây đã giúp kinh tế gia đình chị phát triển bền vững, có thêm nhiều nguồn thu và không bị phụ thuộc vào một loại cây trồng nhất định.
Không chỉ gia đình chị Châu, hầu hết các hộ dân ở xã Cư Suê gần đây đều mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để phát huy lợi thế từ nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê, trên địa bàn xã, các vùng trồng cây ăn quả có lợi thế như sầu riêng, bơ… đang hình thành, thay thế cho nhiều diện tích cà phê già cỗi, khu vực trồng tiêu đạt năng suất thấp.
Đối với những diện tích cà phê, tiêu có lợi thế thì được đầu tư chăm sóc bài bản hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân địa phương.
Hiện thu nhập bình đầu người trên địa bàn xã Cư Suê đạt bình quân 45 triệu đồng/năm và xã đang hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Xã cũng đang xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm sản xuất để cùng nhau phát triển nông nghiệp bền vững.
Trên nhiều diện tích trồng cà phê, cao su lâu năm, già cỗi và một phần diện tích trồng tiêu không hiệu quả ở xã Ea Tar, nông dân ở đây cũng mạnh dạn phá bỏ, trồng xen cây sầu riêng Dona và bơ booth. Từ hướng đi này đã cho hiệu quả kinh tế rõ nét, sản phẩm làm ra có chất lượng và giá trị, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng.
Cách đây 8 năm, anh Nguyễn Xuân Luyện (thôn 4, xã Ea Tar) đã quyết tâm trồng sầu riêng thay thế cho một phần diện tích cà phê già cỗi của mình.
Ban đầu, trên diện tích 5 ha, anh trồng xen 100 cây sầu riêng. Mỗi năm, cứ gốc cà phê nào kém hiệu quả thì anh thay thế bằng cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ booth; khu vực nào có thổ nhưỡng phù hợp thì anh trồng hồ tiêu; phần còn lại vẫn tập trung đầu tư chăm sóc cà phê.
Anh cũng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chăm sóc cây trồng. Đến nay, trong vườn của anh đã có 1.000 cây sầu riêng, thêm vào đó là bơ booth, tiêu, cà phê ngày càng cho năng suất cao. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 1 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar, hiện có 60 – 70% diện tích cây trồng trên địa bàn xã đã được chuyển đổi sang trồng sầu riêng, bơ booth thành công, cho hiệu quả kinh tế cao, mang về thu nhập tiền tỷ cho nhiều nông hộ. Xã Ea Tar hiện nay đã giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể, số hộ giàu và khá chiếm hơn 30%.
Với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm qua, huyện Cư M’gar đã tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh những loại cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, huyện còn phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bơ, sầu riêng, mít Thái, bưởi.
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông và nâng cấp hạ tầng cơ sở, tạo tiền đề quan trọng giúp người dân và ngành nông nghiệp của địa phương sản xuất ngày càng theo hướng công nghệ cao, khép kín, cho giá trị kinh tế lớn.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) cho hay, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Cư M’gar đã đạt 277/285 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 97,19%, bình quân đạt 18,47 tiêu chí/xã.
Toàn huyện có 12/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập đầu người đạt 54 triệu đồng/năm. Cùng với việc hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất để giúp người dân có thêm động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường.
Huyện Cư M’gar đã xây dựng vùng trồng cà phê rộng hơn 38.900 ha, tiêu 2.433 ha, diện tích cây ăn quả quy thuần 1.493 ha. Hiện toàn huyện có 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.