Trồng gừng trâu: Kể cả phải “giải cứu” vẫn lãi hơn vãi ngô?

 

Vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây gừng trâu. Cây gừng trâu được người dân tự phát trồng đã lâu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, từ năm 2015, UBND huyện Hà Quảng đã ký Biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung hợp tác đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm gừng trâu cho nông dân tại một số xã vùng cao Lục Khu. Qua đó, người dân yên tâm phát triển cây gừng trâu, nâng cao thu nhập.

TRỒNG GỪNG TRÂU HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Giữa tháng 5/2017, chúng tôi đến một số xóm của vùng cao Lục Khu. Dọc 2 bên đường từ chợ Nặm Nhũng, xã Lũng Nặm vào xã Vân An, xen giữa những rẫy ngô xanh mướt là các bãi gừng trâu đang mọc tốt. Anh Hứa Văn Dùng, người dân xóm Lũng Rẩu, xã Vân An chia sẻ: Lũng Rẩu là một trong những xóm trồng gừng trâu đầu tiên của xã Vân An và cả vùng Lục Khu.

trong gung trau: ke ca phai "giai cuu" van lai hon vai ngo? hinh anh 1

Người dân xóm Lũng Rẩu, xã Vân An trồng gừng trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Năm 2008, người dân địa phương đưa cây gừng trâu vào trồng. Do điều kiện đất đai, khí hậu ở đây phù hợp nên cây gừng trâu phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô, lạc, đỗ tương 3 – 4 lần. Gừng trâu dễ trồng nhưng rủi ro cao và rất “khó tính”. Đất trồng gừng phải luân canh, sau 3 năm mới quay lại trồng được trên diện tích cũ. Thời vụ trồng gừng trâu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Nếu thời tiết thuận lợi mưa ẩm thì cây mọc đều, phát triển tốt, năng suất đạt cao.

Ngược lại, hạn hán kéo dài, đất khô thì tỷ lệ gừng mọc thấp, chậm phát triển, năng suất đạt thấp. Đặc biệt, đến tháng 8 – 9, trời mưa nhiều, một số diện tích gừng bị bệnh thối củ, không được thu hoạch. Trước đây, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, thường được mùa thì mất giá. Tuy nhiên, năm nào thuận lợi được mùa, được giá thì cây gừng cũng đem lại một khoản thu nhập khá lớn. Năm 2014, gia đình tôi trồng gần 1 tấn củ giống (tương đương 3.000 m2), cây phát triển tốt, không bị thối củ, thu hoạch được 7 tấn củ, thương lái đến thu mua tại xóm, bán được trên 100 triệu đồng/vụ.

 

trong gung trau: ke ca phai "giai cuu" van lai hon vai ngo? hinh anh 2

Người dân xóm Nặm Đin, xã Vân An (Hà Quảng) chăm sóc gừng trồng.

Trước đó, năm 2012, gừng được mùa nhưng không được giá, thương lái đến thu chỉ với giá 2 nghìn đồng/kg, thu nhập từ gừng chỉ được trên dưới 10 triệu đồng/vụ, nhưng còn cao hơn trồng ngô. Năm nay, gia đình tiếp tục trồng 1 tấn giống gừng trâu.

Chi phí cho trồng gừng chủ yếu là giống. Trồng 1 ha gừng cần đến 3 tấn giống, với đơn giá hiện nay 5 nghìn đồng/kg, bà con chi phí 15 triệu đồng mua giống. Ngoài ra, bà con phải chi phí thêm 1 tấn phân NPK trị giá 5,6 triệu đồng. Trung bình, nếu chưa kể công lao động, chi phí cho 1 ha gừng hơn 20 triệu đồng. Bình quân 1 ha rừng chăm sóc đúng kỹ thuật, không bị sâu bệnh sẽ cho thu hoạch 18 – 20 tấn cho thu nhập 90 – 100 triệu đồng/ha. Hiện bà con tự để giống cho vụ sau hoặc chuyển nhượng giống cho nhau bằng giá thu mua của Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung.

trong gung trau: ke ca phai "giai cuu" van lai hon vai ngo? hinh anh 3

Không chỉ Cao Bằng, nhiều nông dân ở các địa phương khác cũng đang đầu tư trồng gừng, nhưng thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên vẫn có thời điểm mất giá. 

Trong khi đó, 1 ha ngô hàng hóa năng suất bình quân 35 tạ/ha, giá bán 7 nghìn đồng/kg chỉ cho thu nhập 24,5 triệu đồng (chưa trừ chi phí giống, vật tư phân bón, công chăm sóc). Như vậy, hiệu quả của trồng gừng gấp 4 – 5 lần trồng ngô. Thậm chí nếu giá gừng giảm sâu đến 2 nghìn đồng/kg, thu nhập từ bán gừng cũng được 36 – 40 triệu đồng/ha, trừ chi phí giống, phân bón, người trồng gừng thu khoảng 20 triệu đồng/ha.

Anh Trương Văn Dậu, Trưởng xóm Lũng Rẩu cho biết: Xóm Lũng Rẩu có 20 hộ đều trồng gừng trâu, hộ trồng ít 400 kg giống, hộ trồng nhiều 1 tấn giống, có hộ thu hoạch 7 – 8 tấn/vụ. Năm gừng được giá từ 15 – 21 nghìn đồng/kg, nhiều hộ thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/vụ. Vụ gừng mất giá xuống đến 2 nghìn đồng/kg, các hộ trồng khoảng 3.000 m2 cũng thu trên 10 triệu đồng, cao hơn trồng ngô nên cả xóm vẫn duy trì và phát triển diện tích gừng trâu.

Từ năm 2015 đến nay, được Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tuy giá không cao như trước nhưng ổn định, bước đầu giúp người dân yên tâm trồng gừng. 

2 năm (2015 – 2016), xã Vân An có 5/10 xóm với 171/219 hộ trồng gừng trâu, được Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm, ước trị giá đạt 1,4 tỷ đồng. Riêng năm 2016, Vân An có 149 hộ trồng 20 ha gừng, thu được 780 triệu đồng. Năm 2017, cả xã trồng trên 20 ha. Hiện nay, Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung đang khảo sát diện tích gừng sinh thái và chuẩn bị ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Tin Liên Quan