Trồng xen 500 cây nhãn Hương Chi trong vườn cà phê, bà Hà Thị Toan, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), thu về gần 200 triệu đồng mỗi vụ. Cách làm hiệu quả của bà Toan đang mở thêm cơ hội cho người dân trên địa bàn trong chuyển đổi cây trồng.
Những ngày này, bà Toan đang tất bật thu hoạch nhãn Hương Chi trồng xen trong vườn cà phê. Vườn nhãn mới bước vào năm thứ 3, nhưng đã cho thu hoạch mỗi cây từ 20 – 50 kg quả.
Năm 2003, gia đình bà Hà Thị Toan từ Nam Định vào xã Đắk R’moan lập nghiệp. Cũng như bao nông dân khác, nguồn thu nhập chính của gia đình bà thời kỳ đó chủ yếu từ trồng hồ tiêu, cà phê.
Thế nhưng, sau nhiều năm thu hoạch, vườn hồ tiêu và cà phê dần già cỗi, năng suất kém. Bà Toan quyết định tái canh cà phê và thay thế hồ tiêu bằng nhãn Hương Chi.
Năm 2019, bà Toan tìm đến một số mô hình trồng nhãn Hương Chi cho hiệu quả cao ở tỉnh Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Sau khi có kiến thức, bà mua giống nhãn này về trồng xen trong vườn cà phê.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc, nên vườn nhãn sinh trưởng, phát triển tốt. Sau khi trồng được 2 năm, bà Toan bắt đầu vận dụng kỹ thuật để cho nhãn ra hoa, đậu quả.
Bà Toan chia sẻ, trồng nhãn đòi hỏi phải tuân thủ quy trình sản xuất mới có kết quả như ý muốn. Trước khi nhãn đậu quả, phải cắt tỉa cành để cây tập trung những cành cho ra quả, bón thêm phân để giúp cây phân hóa mầm hoa.
Nhãn Hương Chi được bà Toan trồng xen trong vườn cà phê và đậu rất nhiều quả. Vườn trồng nhãn Hương Chi xen canh cà phê của gia đình bà Toan ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).
Trong giai đoạn nhãn ra quả cũng cần chăm sóc tỉ mỉ, phòng trừ bệnh nấm cho cây. “Nói thì đơn giản vậy, nhưng đòi hỏi cách bón phân, xử lý thuốc phải bài bản, đúng thời điểm. Cái này phải dựa vào kinh nghiệm thực tế cây đang phát triển”, bà Toan cho biết.
Bà Toan thường xuyên cắt tỉa cành, chỉ để trung bình mỗi cây từ 30 – 50 cành cho ra quả, mỗi cành chỉ lấy từ 1 – 2 kg quả. Khi quả sắp thu hoạch, bà hái bỏ những quả nhỏ để cây tập trung nuôi quả lớn. Bà cũng giới hạn quả ở mỗi chùm nhãn.
Nhãn Hương Chi của gia đình bà Toan khi chín có cùi dày, giòn, dễ bóc, hạt nhỏ, vỏ mỏng, quả đẹp. Chất lượng quả tốt, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nên đến vụ thu hoạch, vườn nhãn của bà được thương lái vào tận nơi thu mua.
Sau thời gian canh tác, bà Toan đánh giá, nhãn Hương Chi thích nghi tốt với đất đai, khí hậu địa phương. Cây nhãn sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, chịu được khô hạn, công đầu tư chăm sóc không nhiều.
Loại nhãn này có thời gian cho thu hoạch sớm, năng suất cao. Ưu điểm của giống nhãn Hương Chi là ra nhiều đợt hoa. Do đó, khi gặp thời tiết không thuận lợi, nhãn vẫn có thể đậu quả tốt, cho năng suất ổn định hơn các giống nhãn khác.
Với giá bán tại vườn dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ nhãn, gia đình bà Toan thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này cao hơn hẳn so với trồng cà phê.\
Để quả không thu hoạch cùng một thời điểm, tiện công chăm sóc, bà Toan thường cho nhãn ra quả nhiều đợt, mỗi đợt từ 100 – 200 cây. Cách chi phối này cũng giúp bà tiêu thụ nhãn tốt hơn.
Mô hình trồng nhãn của bà Toan đang được nhiều người dân tại địa phương tìm hiểu, áp dụng theo. Qua đánh giá của Hội Nông dân xã Đắk R’moan, nhãn Hương Chi là cây trồng khá mới tại địa phương.
Qua mô hình của bà Toan cho thấy, đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác tại địa phương. Nhãn Hương Chi tỏ ra thích nghi tốt với đất đai, khí hậu ở Đắk R’moan.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Đắk R’moan sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp nhân rộng mô hình trồng nhãn Hương Chi, giúp người dân trên địa bàn có thêm lựa chọn trong chuyển đổi cây trồng hiệu quả.