Trồng đu đủ làm kinh tế là hướng đi không mới, nhưng nhờ tìm tòi, sáng tạo, mà ông Hồ Ngọc Bình, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), có cách làm rất độc đáo để cây đu đủ ra nhiều thân, qua đó tăng năng suất trái, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Những năm gần đây, đu đủ được nhiều nông dân ở ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng chọn canh tác bởi dễ trồng, nhẹ công chăm sóc.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều trồng theo cách truyền thống và thu hoạch sau khoảng 6 tháng chứ không xử lý, can thiệp nhiều.
Nhưng với ông Hồ Ngọc Bình thì khác. Trong một lần tình cờ, ông Bình thấy cây đu đủ bị mưa giông làm gãy nên đâm tược mới, ông nảy ra ý định sẽ tìm cách để đu đủ có nhiều hơn 1 thân. Nghĩ là làm, ông Bình thử nghiệm trên chính những cây đu đủ trong vườn nhà. Thành công có, thất bại cũng nhiều, cuối cùng ông cũng tìm ra được cách làm hiệu quả.
Theo ông Bình, để có được đu đủ từ 2 đến 3 thân hoặc nhiều hơn thì sau khi gieo hạt, đợi cây lên cao khoảng 2 tấc, ông sẽ ngắt đọt.
Ông cho biết 2 tấc là chiều cao lý tưởng để bắt đầu xử lý, vì nếu để cây phát triển hơn mức này thì khi ngắt đọt, chồi mới mọc ra sẽ để lại sẹo trên thân cây, vừa không thẩm mỹ vừa khiến cây đó lớn lên sẽ bị yếu, dễ đổ ngã khi gặp giông, gió.
Khoảng 20 ngày sau, cây đu đủ sẽ đâm chồi mới. Lúc này, ông sẽ chọn giữ lại những nhánh mập, loại bỏ những chồi nhỏ, yếu để cây con tập trung phát triển, không bị mất sức. Điều quan trọng theo ông Bình là để việc xử lý đu đủ ra nhiều thân đạt kết quả cao thì phải chọn ngắt đọt vào lúc sáng sớm, có ánh nắng mặt trời để cây mau phát triển.
Đu đủ mới ngắt đọt còn yếu nên hạn chế tiếp xúc với nước mưa, nông dân cần che chắn cẩn thận.
Nói về cách chăm sóc, ông Bình cho biết, đu đủ là loại cây nhát nước (ít chịu nước) nên đòi hỏi phải làm mô cao, đảm bảo không ngập nước. Do tàng cây đu đủ 2-3 thân khá rộng nên phải chú ý khoảng cách giữa các mô phải từ 5m trở lên để các cây không che nhau, hứng được ánh nắng mặt trời.
Khâu chọn đất làm mô là quan trọng nhất. Trước khi gieo trồng, đất phải được xử lý vôi bột, phân lân khoảng 20 ngày cho tơi xốp. Đu đủ không phù hợp với phân urê nên bà con không nên sử dụng cho đu đủ.
Khi chúng tôi hỏi về cách chọn giống cây. Người nông dân này cho biết, ông thường chọn cách ươm từ hạt thay vì mua giống trôi nổi ở chợ. Bởi làm theo cách này, ông có thể chọn được cây có trái ưng ý, ngon ngọt để gây giống cho vườn nhà.
Trái đu đủ để chín tự nhiên trên cây, sau đó hái xuống để từ 1 đến 2 ngày rồi bổ ra lấy hạt cho vào thau rồi chà, rửa sạch, loại bỏ những hạt khác thường, dị tật. Hạt sau khi làm sạch sẽ được phơi khô rồi để từ 5-10 ngày sau thì bắt đầu ươm giống.
Ông Bình kể, cách đây khoảng chục năm, để gieo đu đủ người ta rải hột xuống đất, đợi cây lớn lên thì bứng gốc để đem đi trồng trong vườn. Cách làm này tiện lợi và ít tốn công nhưng sẽ khiến cây mất sức, tỷ lệ hao hụt cao.
Hiện tại, ông và nhiều bà con thường xuống giống đu đủ trong các khay nhựa, túi nhựa được bán ngoài thị trường. Khi thấy cây phát triển đủ sức thì mang ra xé bỏ lớp túi nhựa hoặc lấy cây từ khay rồi đặt vào mô đất đã xử lý trước đó.
Với cách thứ 2 này, tuy có tốn công và chi phí ban đầu nhưng sẽ nhẹ công chăm sóc về sau và rất ít hao hụt, lại nhanh. So về lợi ích kinh tế, người nông dân sẽ có lợi hơn cách ươm trồng truyền thống.
Nhìn vườn đu đủ nhà mình, nhấp miếng trà còn bốc khói, ông Bình chia sẻ lúc chưa bắt đầu xử lý cho đu đủ ra 2 hay 3 thân như hiện nay, vườn ông cũng có năng suất cao nhưng một số người tiêu dùng không quá mặn mòi.
Lý giải cho điều này, chỉ tay về cây đu đủ đang cho trái, ông Bình cho biết: “Đu đủ mình bán ra chợ, khách hàng đa số là gia đình công chức, công nhân ít người, mỗi trái đu đủ trong vườn này khoảng 1-1,5kg, người ta ăn vừa bữa. Mình bẻ trái to từ 2-3kg, giá tiền cao mà người ta ăn 1 lần không hết phải để trong tủ lạnh. Mà đu đủ để lâu ăn sẽ nhạt, không ngon”.
Trên cùng một diện tích, nhưng vườn đu đủ của ông Hồ Ngọc Bình cho thu nhập cao hơn hẳn so với các vườn lân cận do có 2-3 thân, mỗi cây thậm chí nhiều hơn, giá bán mỗi trái vừa túi tiền người tiêu dùng nên được thị trường ưa chuộng.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Bình cho biết, ngoài giống đu đủ xanh hiện tại, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, ông sẽ tiếp tục mở rộng vườn nhà, nhân giống và xử lý thêm đu đủ vàng để cây cho trái vào Tết Nguyên đán sắp tới phục vụ bà con gần xa.
Dù bước đầu ông Bình chỉ mới trồng vài chục gốc đu đủ, nhưng theo ông thì trung bình 1 gốc từ 2-3 thân có từ 50 trái lớn/gốc, còn nếu tính luôn trái nhỏ và thu hoạch kéo dài thì cũng khoảng 100 trái. Giá bán hiện tại là 10.000 đồng/kg, đây sẽ là nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân khi chọn mô hình trồng đu đủ để canh tác.