Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài, anh Nguyễn Xuân Huỳnh (xóm Tân Tiến, xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định trở về quê hương phát triển kinh tế gia đình. Từ đào ao thả cá đến chăn nuôi lợn rừng và kết hợp với mô hình trồng chuối tiêu hồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Xuân Huỳnh cho biết: Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Y, năm 2000 do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh đã quyết định rời Việt Nam sang Nga để làm ăn kinh tế. Sau 13 năm, do khủng hoảng kinh tế làm ăn không ổn định, anh quyết định trở về quê nhà để phát triển kinh tế gia đình.
Ban đầu, anh cải tạo đất ruộng rồi đào ao thả cá. Sau một thời gian đi tham quan học hỏi nhiều mô hình ở một số tỉnh bạn trong đó có mô hình trồng cam ở Hoà Bình thấy hiệu quả nên anh Huỳnh đã quyết định trồng thử 1.000 cây. Lúc đầu, cam bán được giá nên gia đình anh cũng có thu nhập đáng kể. Nhưng một thời gian sau giá cam giảm mạnh nên anh chuyển sang trồng bưởi da xanh và nhãn.
Qua quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy cây chuối tiêu hồng phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương nên đã quyết định trồng thử nghiệm 500 cây. Nhận thấy hiệu quả nên anh phát triển số lượng lớn dần lên.
Anh Huỳnh cho biết: Với tổng diện vườn đồi khoảng 7 – 8ha, hiện gia đình anh có khoảng 1ha ao nuôi cá, 100m2 chuồng trại chăn nuôi lợn. Phần diện tích đất còn lại, anh trồng xen canh 5.000 cây bưởi và 5ha chuối tiêu hồng với 7.000 cây. Đến nay là năm thứ 4 gia đình anh phát triển mô hình trồng chuối này.
Theo anh Huỳnh, ưu điểm của mô hình trồng chuối tiêu hồng là có thể thu hoạch từ gốc đến ngọn mà không phải bỏ bất kỳ một bộ phận nào của cây. Quả, hoa và lá được anh bán cho thương lái, còn mầm và thân cây được dùng để làm thức ăn cho lợn giúp giảm chi phí chăn nuôi và gia tăng lợi nhuận. Thậm chí những cây chuối bị hỏng, không thể sử dụng được anh dùng để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Trước đây, để phục vụ nguồn thức ăn cho cá, anh Huỳnh phải trồng 4 sào cỏ mỗi năm, tuy nhiên từ khi phát triển mô hình trồng chuối này, anh tận dụng lá chuối, bẹ chuối, thân cây chuối con để làm thức ăn cho cá, do đó tiết kiệm được thời gian, chi phí và diện tích đất trồng cỏ.
Thời gian trồng chuối tiêu hồng thường kéo dài từ giữa tháng 1 lịch đến giữa tháng 12 âm lịch là có thể thu hoạch để bán tết. Theo anh Huỷnh, chuối tiêu hồng tương đối dễ trồng lại ít sâu bệnh mà hiệu quả kinh tế cao.
Chuối được anh trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ nên chất lượng quả thơm, ngon, ngọt, không có vị chua, lại rất an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
Để chuối đảm bảo chất lượng, sau mỗi lần thu hoạch, anh Huỳnh sẽ lựa chọn những cây khoẻ, chất lượng tốt và để lại giống cho năm sau. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc, ngoài việc làm đất ban đầu, cũng cần chú ý bón đầy đủ phân và tưới nước cho cây chuối khi cần thì cây sẽ phát triển tốt và cho chất lượng, hiệu quả cao hơn.
“Năm nay chuối được giá hơn so với mọi năm. Nếu như năm ngoái chỉ bán được khoảng 150.000/1 buồng chuối thì năm nay gia đình tôi đang bán với giá 200.000đ/buồng”, còn lá chuối được bán với giá 5.000đ/kg, anh Huỳnh cho biết.
Thị trường hiện nay của anh chủ yếu tại một số tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hải Dương… Với mỗi ha chuối tiêu hồng nếu chăm sóc tốt và giá cả ổn định, một năm mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng trên 190 triệu đồng. Như vậy, theo anh Huỳnh, ước tính thu nhập trung bình của mỗi người lao động nếu trồng chuối sẽ từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.
Định hướng trong thời gian tới, anh Huỳnh sẽ làm trà và bột ngũ cốc từ quả và hoa chuối vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có lại vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhằm giúp các hộ dân trong vùng phát triển kinh tế với mô hình này, Hội nông dân xã Quân Chu đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên thành lập Tổ hợp tác chuối tiêu hồng, đến nay theo đánh giá mô hình phát triển tương đối tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vừa qua, hội nông dân xã Quân Chu đã kiến nghị với Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên chuyển đổi từ Tổ hợp tác sang HTX để nâng cao giá trị quả chuối và đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.