Mô hình trồng chuối tiêu hồng trên đất ruộng ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu cho lợi nhuận cao, giúp nhiều bà con có việc làm, thoát nghèo…
Chuối tiêu hồng giúp nhiều hộ thoát nghèo
Năm 2021, gia đình anh Ly Seo Củi, dân tộc Mông, ở huyện Mường Khương (Lào Cai) theo anh trai sang xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) để làm thuê, công việc của vợ chồng anh Củi là trồng, chăm sóc, quản lý và thu hoạch 6.000 gốc chuối tiêu hồng.
Từ việc trồng chuối thuê, vợ chồng anh Củi thu về 10 triệu đồng/tháng, chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử, anh Ly Seo Củi cho biết: Trước đây cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, gia đình đông anh em, thiếu đất canh tác nên phải đi làm thuê kiếm sống.
Công việc làm thuê chủ yếu theo thời vụ, ai thuê gì làm nấy, hôm có việc hôm không nên thu nhập rất bấp bênh.
Nhận thấy gia đình anh trai đi trồng chuối thuê ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) có thu nhập khá, công việc ổn định, lại không vất vả, vợ chồng anh Củi bàn nhau sang trồng chuối thuê.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn chuối xanh tốt, nhiều cây đã cho buồng, anh Củi chia sẻ: Trồng chuối tiêu hồng không vất vả như một số cây trồng khác, chỉ cần để ý chăm bón đúng quy cách là cây phát triển tốt.
Trong quá trình trồng cần chú trọng bón đủ lượng phân, khi cây còn bé chú trọng tưới đủ nước, khi cây trưởng thành cần tỉa bỏ lá bị bệnh, lá quăn, lá khô, vệ sinh gốc sạch cỏ rồi tiến hành vun gốc,
Khi cây bắt đầu cho buồng thì tiến hàng bao buồng để bảo vệ quả. Cây nào nhiều mầm thì tỉa bớt để chất dinh dưỡng tập trung nuôi quả, từ đó cây chuối sẽ phát triển tốt và cho chất lượng quả cao.
“Ngoài tiền lương hàng tháng được HTX chi trả, vợ chồng tôi còn thu thêm mỗi tháng từ 5 – 7 triệu đồng từ việc thu gom lá chuối khô, nhờ đó vợ chồng tôi có thu nhập ổn định, thoát được nghèo”, anh Củi hồ hởi nói.
Thuê đất trồng chuối tiêu hồng thu về tiền tỷ
Năm 2020, cây chuối tiêu hồng được HTX Nông nghiệp xanh liên kết với người dân ở 3 bản của xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) để trồng theo hình thức HTX thuê đất, cung cấp giống, phân bón. Người dân bỏ công trồng, chăm sóc, quản lý và thu hoạch.
Trung bình mỗi lao động được thuê trồng, chăm sóc và thu hoạch 3.000 gốc chuối, đến nay với HTX đã tạo được việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xanh cho biết: Năm 2020, HTX đưa cây chuối vào trồng trên diện tích 20ha, đến nay chúng tôi có khoảng hơn 60 nghìn gốc chuối, trong đó có khoảng 45 nghìn gốc đã cho thu hoạch.
Sản phẩm chuối chúng tôi xuất bản cho thị trường dưới xuôi và bán sang Trung Quốc, trung bình mỗi năm chúng tôi xuất bán được gần 500 tấn, với giá dao động từ 6 – 12 nghìn đồng/kg, trừ chi phí HTX cũng thu về được gần 2 tỷ đồng/năm.
Theo bà Ánh, cây chuối tiêu hồng sau 5 năm thu hoạch mới phải trồng lại, vì thế HTX cho bà con trồng gối vừa đảm bảo duy trì số lượng vừa mở rộng dần diện tích theo từng năm.
“Ngoài nguồn thu từ chuối quả người lao động còn có nguồn thu thường xuyên từ lá chuối, chồi chuối. Hiện nay HTX chỉ thu buồng chuối để xuất bán, còn lá chuối, chồi và bẹ chuối chúng tôi đều hỗ trợ bà con, giúp bà con trồng chuối tăng thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống”, bà Ánh chia sẻ thêm.
Đánh giá về giá trị kinh tế từ trồng chuối tiêu hồng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết: Qua khảo sát cây chuối được đánh giá khá phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng, cây sinh trưởng và phát tiển tốt, cho năng suất và sản lượng cao.
Cây chuối tiêu hồng cho thu nhập cao gấp 3 – 4 lần so với cây lúa, hiện chúng tôi đang tìm hướng mở rộng liên với các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sau 3 năm bén rễ trên đồng đất xã Bình Lư, huyện Tam Đường cây chuối đã khẳng định được giá trị kinh tế, giúp bà con có việc làm, thoát nghèo với thu nhập ổn định.