Trồng cây ra thứ trái nhìn là tứa nước miếng, hái mỏi cả tay, cứ 1 vụ ông nông dân Sơn La lãi nửa tỷ
Đều đặn mỗi lần hái, ông Điều thu hơn 10 triệu đồng từ bán quả dâu tây ra thị trường.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Điều, ở bản Xuân Quế , xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La khi ông vừa từ nương dâu tây trở về.
Khệ nệ bê hộp xốp đựng đầy quả dâu tây chín đỏ, ông Điều nhẹ nhàng đổ ra chiếc đệm trải trước sân nhà. Phút chốc chiếc đệm đã được đổ đầy những trái dâu tây chín đỏ, thơm ngon, chỉ nhìn thôi cũng thấy thèm.
Sau khi đổ dâu tây ra đệm, ông Điều lại cùng với vợ và con gái tất bật phân loại quả dâu tây chín.
Quả dâu tây được gia đình ông Điều chia thành nhiều loại: Vip, to, nhỡ, bi và bi ve. Tùy từng loại quả dâu tây mà gia đình ông Điều bán cho thương lái với giá khác nhau, dao động từ 60.000 – 250.000 đồng/kg.
Mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Điều vui vẻ nói: Gia đình tôi trồng dâu tây từ năm 2017. Khi đó, gia đình tôi chỉ trồng có vài nghìn cây thôi. Mặc dù thấy rõ giá trị kinh tế từ cây dâu, song khi đó vì mải việc khác nên tôi chưa thực sự chú ý đến loại cây này.
Theo ông Điều, mãi đến năm 2020, ông mới toàn tâm, toàn ý đến việc trồng và chăm sóc dâu tây. Gia đình ông trồng 3 vạn cây dâu tây trên đất nương, diện tích chừng 1ha. Năm ngoái, gia đình ông lãi hơn 500 triệu đồng từ bán quả dâu tây chín ra thị trường.
Năm 2021, gia đình ông Điều tiếp tục trồng 3 vạn cây dâu tây trên mảnh nương rộng gần 1ha đó.
Để có cây dâu tây giống trồng lấy quả, gia đình ông phải trồng nhân giống từ đầu năm. Ông Điều dành khoảng 2000m2 đất để trồng dâu tây lấy giống. Ông Điều nhân giống dâu tây bằng cách tách ngó từ cây mẹ.
Theo ông Điều, để cây dâu tây sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, thời gian thu hoạch kéo dài, thì cần phải xử lý sạch mầm bệnh ngay từ khi nhân giống.
Thời điểm nhân giống dâu tây, ông Điều đặc biệt chú ý đến khâu phun thuốc phòng trừ nấm, bệnh trên cây dâu.
“Cây dâu thường xuyên mắc các bệnh theo tuyến mùa. Tùy từng mùa mà cây dâu bị các loại nấm, bệnh như: sâu, rệp, nấm, trĩ, nhện…tấn công. Vì thế cần phải xử lý sạch mầm bệnh trước khi đưa vào trồng lấy quả. Tùy từng loại nấm, bệnh mà tôi phun loại thuốc phù hợp. Tôi chủ yếu phun thuốc phòng bệnh cho cây dâu tây theo định kỳ, chứ không để khi chúng phát bệnh mới mới phun.
Nếu mưa nhiều thì cứ cách 1 tuần tôi lại phun cho nương dâu một lần. Còn thời tiết bình thường thì 10 ngày tôi mới phun thuốc 1 lần. Nhờ xử lý tốt mầm bệnh nên nương dâu của gia đình tôi luôn sinh trưởng, phát triển tốt” – ông Điều thông tin.
Ông Điều chỉ phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh cho cây dâu tây ở thời điểm nhân giống và dưỡng cây. Khi cây dâu bắt đầu ra hoa, đậu quả thì ông Điều ngừng hẳn, không phun thuốc nữa.
Trong quá trình chăm sóc cây dâu tây, ông Điều luôn chú ý đến việc cho cây dâu “ăn” phân đầy đủ, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho chúng sinh trưởng, phát triển tốt.
“Tùy từng thời kì sinh trưởng và phát triển của cây dâu tây, mà tôi cho chúng “ăn” loại phân phù hợp. Ở thời kì dưỡng cây thì tôi bón phân dưỡng cây cho chúng. Trong giai đoạn cây dâu tây nuôi quả thì tôi lại sử dụng phân dưỡng quả và ka li để bón…”, ông Điều tiết lộ.
Theo ông Điều, cây dâu tây được ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ sau hơn 2 tháng trồng là bắt đầu cho quả…
Theo ông Điều, thời gian trồng dâu tây thích hợp nhất là vào tháng 9. Thời gian cây dâu tây cho thu hoạch quả dài hay ngắn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc, bón phân.
Nhờ chăm sóc tốt nên nương dâu nhà ông Điều cho thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Nếu thời tiết nắng nóng thì ngày nào ông Điều cũng thu hoạch dâu tây. Còn thời tiết bình thường thì cứ cách một ngày, ông Điều hái dâu tây 1 lần.
Mỗi lần, ông Điều hái từ 1,5 – 2 tạ quả dâu tây tươi. Bán ra thị trường với giá dao động từ 60 – 250.000 đồng/kg, ông Điều thu hơn 10 triệu đồng. Với gần 1ha dâu tây, mỗi vụ gia đình ông Điều lãi hơn nửa tỷ đồng từ bán quả dâu tây chín đỏ ra thị trường.