Từ hàng trăm năm trước, người dân xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã trồng cây hồng giòn Yên Du. Thời điểm này, bà con đã bắc thang thu hoạch quả rồi đưa về ngâm, bán, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Những ngày gần đây, người dân thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh khoác lên mình đồ bảo hộ, vác theo thang sắt, tay xách theo làn và rổ nhựa trèo lên các gốc hồng để hái quả đưa về ngâm, bán. Hồng Yên Du là loài hồng không có hạt, rất giòn, được người dân địa phương đưa về vùng đất này trồng từ hàng trăm năm trước.
Theo lãnh đạo xã Đức Lĩnh, đây là loài cây sinh trưởng, phát triển phù hợp với thời tiết, khí hậu tại địa phương. Hiện toàn thôn Yên Du có 80 hộ trồng hồng, trên 40 hec ta.
Chị Nguyễn Thị Luyến (trú thôn Yên Du) cho hay: “Gia đình tôi có 100 gốc hồng nhưng năm nay có khoảng 15 cây cho ra quả, sản lượng khoảng 3 tấn. Dự kiến cuối vụ sẽ thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Mỗi kg bán tại vườn dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg. Sau khi hái quả già về, chúng tôi sẽ đưa về ngâm, để hồng chín và không bị chát rồi đem đi bán. Hồng giòn và rất ngọt, mang đặc trưng riêng nên đầu ra rất ổn định”.
Cũng theo chị Luyến, mùa thu hoạch quả cũng gặp rất nhiều khó khăn do người dân có thể đối mặt với nguy hiểm khi trèo cây cao.
“Mỗi cây cao khoảng 10m, để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải thật sự khéo léo, phải thắt dây đai an toàn vào lưng, dùng móc sắt neo vào thân cây hoặc cành lớn để phòng tránh ngã”, chị Luyến nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh cho biết, trước đây người dân trồng hồng để tạo bóng mát, thì nay trở thành loài cây giúp nông dân làm giàu.
“Cứ mỗi mùa thu hoạch, có gia đình bỏ túi từ 100 đến 200 triệu đồng. Hộ nào diện tích trồng hồng lớn thì lãi cao hơn. Để đầu ra ổn định và xây dựng thương hệu, xã đã lập tổ hợp tác 10 thành viên. Sắp tới địa phương sẽ quy trình hóa các khâu trong sản xuất như đóng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản vật, giúp các hộ dân trồng hồng có thêm thu nhập”, ông Thanh nói.