Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, nhưng anh Lê Anh Tú (44 tuổi) lại nên duyên với miền quê Hoà Bắc thuộc huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng. Ở nơi đây, anh không chỉ tâm huyết với sự nghiệp trồng người, mà còn ấp ủ một ước mơ làm giàu từ cây dược liệu đặc sản của vùng đất này – cây chè dây.
Nên duyên với miền sơn cước
Trong hương thơm dịu nhẹ của cốc nước chè dây còn nóng hổi, anh Tú kể với chúng tôi về cơ duyên của mình. Anh chọn học ngành sư phạm tại Đà Nẵng và ra trường đi dạy ở trung tâm thành phố được 1 năm, thì anh quyết định lên Hoà Bắc để giảng dạy cho các em học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn.
“Tại đây, tôi tiếp xúc với nhiều em học sinh người đồng bào Cơ Tu, và khi đến thăm nhà thì nhà nào cũng mời một loại nước uống giống nhau, có màu vàng trong, thơm nhẹ, khi uống thì có vị đắng và hậu vị ngọt, rất ngon và lạ.
Hỏi ra thì mới biết đây là nước uống nấu từ cây chè dây, một loại lá cây rừng được xem là thức uống đặc trưng của người Cơ Tu, giúp điều trị bệnh dạ dày, ăn ngon dễ ngủ. Đó là một trong những yếu tố giúp người dân tộc Cơ Tu dù điều kiện sinh sống thiếu thốn, nhưng họ vẫn luôn khoẻ mạnh”, anh Tú tâm sự.
Tò mò không biết chè dây là cây gì, anh được người dân trong bản dẫn lên rừng, tìm đến những thác nước để tận mắt ngắm nhìn. Vốn sinh ra trong một gia đình làm nghề thầy thuốc, quen thuộc với những bài thuốc nam, anh Tú gọi về thăm hỏi gia đình thì được chỉ bảo chè dây là một cây thuốc quý.
Từ đó, anh ấp ủ một dự định trồng chè dây để phát triển kinh tế, giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
Anh Tú chia sẻ, người Cơ Tu chỉ biết nấu chè dây uống thay nước sẽ tốt cho sức khoẻ, chứ không biết các công dụng cụ thể của nó. Cứ đi phát rẫy, lên rừng săn bắn, mà thấy cây chè dây mọc là họ hái hết cả gốc lẫn ngọn đem về nấu uống hoặc phơi khô để trữ. Mãi đến khi có điện thoại thông minh và trên bản có điện, có mạng internet thì anh mới có cơ hội để tìm hiểu kỹ về loại cây này.
Chè dây là cây ưa ẩm, vì thế ở Hoà Bắc, nó mọc hoang dưới tán rừng, trên vùng núi có độ cao từ 700-1.500m, mọc cạnh các thác nước. Cành và lá chè phơi khô nấu nước uống rất tốt cho sức khỏe. Nước chè có vị đắng, sau có vị ngọt, thơm nhẹ, dễ uống và có công dụng trị đau dạ dày rất tốt, kháng viêm….
Anh Tú bộc bạch: “Trước tình trạng khai thác chè dây ồ ạt gây cạn kiệt trong tự nhiên, tôi tìm hiểu thổ nhưỡng, điều kiện thuận lợi để tự nhân giống trồng chè dây. Năm 2015, vườn ươm đầu tiên của tôi được hình thành trên diện tích 100m2, với hơn 50 bầu ươm. Nhưng vì chưa nắm rõ kỹ thuật ươm trồng nên những đợt đầu tôi thất bại, cây không phát triển”.
Thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm
Khi biết huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đang triển khai một vườn ươm chè dây do Trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức, thì anh Tú tìm đến để học hỏi kỹ thuật ươm trồng, cách chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè dây tươi và khô.
Dám nghĩ dám làm, năm 2019, anh đầu tư 450 triệu đồng để xây dựng vườn chè dây trên diện tích 1ha rừng của gia đình. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoà Vang hỗ trợ 100 triệu đồng.
Vụ đầu vì gặp mưa nhiều nên cây chết, anh mất trắng gần 10 triệu đồng tiền giống. Rút kinh nghiệm từ đó, anh chọn thời điểm sau Tết để vào vụ, vì lúc này thời tiết nắng ráo, chè dây sinh trưởng tốt.
Anh Tú chia sẻ: “Ở thung lũng giữa 2 quả đồi, tôi thuê xe máy múc vào san ủi tạo mặt bằng, lượm sạch đá sỏi, đúc hàng trăm trụ bê tông và đan giàn lưới thép kiên cố cho chè dây leo lên, sinh sôi, đâm chồi. Đặc biệt, tôi thiết kế hệ thống dẫn nước suối từ nguồn về để chủ động tưới tiêu cho vườn, lắp đặt hệ thống phun sương tự động”.
Cây chè dây trồng sau 1 năm là có thể thu hoạch, anh Tú thu hái phần thân non và lá nhỏ, dày, có màu xanh đậm, đọt đỏ. Trước khi thu hoạch thì tưới nước làm sạch lá, sau đó chọn lúc sáng sớm để thu hái về sơ chế, băm thành đoạn nhỏ.
Tiếp đó, anh Tú sao chè bằng phương pháp thủ công trên bếp củi. Mỗi mẻ chè tươi 16kg sao đều trong 60 phút sẽ cho 4kg chè dây khô (tỷ lệ 4 tươi: 1 khô). Sau đó đổ chè ra làm nguội, ủ thêm 12 tiếng rồi đem phơi khô khoảng 3 nắng là thành phẩm, đóng gói. Nếu trời mưa, ít nắng, anh Tú sẽ dùng lò sấy để làm khô sản phẩm.
Chia sẻ về tiêu chí đánh giá chè dây khô đạt chuẩn, anh Tú nói: “Tôi chỉ thu hái phần lá và phần thân dây còn non để đảm bảo tính dược liệu cao nhất. Trải qua quá trình sơ chế và phơi, chè khô sẽ có 1 lớp phấn trắng bao phủ bề mặt, làm nhiều người lầm tưởng chè bị mốc. Nhưng thật ra lớp trắng đó chính là phấn chè, càng nhiều phấn trắng thì dược tính càng cao”.
Vào mùa mưa dầm, gió rét, chè dây sẽ ngủ đông khoảng 3 tháng, cây không phát triển, thân trơ trụi. Anh Tú sẽ cắt tỉa cành để cây lấy sức, dọn dẹp, làm cỏ và chờ cây trổ lộc non.
Đặc biệt, cây chè dây không bị sâu bệnh hại, chỉ cần đảm bảo tưới nước mỗi ngày, dọn cỏ sau thu hoạch và tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thì vườn cây sẽ sinh trưởng mạnh.
Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2022, đã khiến 1ha chè dây của gia đình anh Tú bị nhấn chìm trong biển nước, gây thiệt hại lớn. Nhưng vượt qua khó khăn, anh chỉnh trang lại vườn, tích cực chăm sóc để phục hồi sản xuất.
Đến nay, vườn chè dây của anh đã phát triển ổn định, cho sản lượng cao. Chè dây có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi cắt cành, vì vậy cứ 45 ngày anh sẽ thu hái một lần, sau khi chế biến chè khô đạt 350kg, giá bán 180.000 đồng/kg.
Mỗi năm vườn cho 12 tạ chè dây khô, sau khi trừ đi chi phí, anh thu lãi hơn 150 triệu đồng. Đồng thời tạo việc làm thời vụ cho 8 lao động với mức lương 300.000 đồng/ngày.
Với mong muốn phát huy giá trị cao nhất của dược liệu quý, anh Tú luôn tuân thủ phương châm sản xuất sạch, an toàn. Nhờ đó, khách hàng tin tưởng và rất ưa chuộng sản phẩm chè dây khô của gia đình anh, sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại TP Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo anh Tú, sắp tới anh sẽ mở rộng quy mô vườn chè lên 2ha và liên kết với các hộ dân để chủ động nguyên liệu sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về rừng dược liệu. Qua đó, giúp người đồng bào Cơ Tu bám đất bám rừng, có việc làm và nguồn kinh tế ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững…