Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang phát triển mạnh mẽ.
Anh Tăng Tấn Hưng, ở ấp Phú An A, là một điển hình về chuyển đổi cây trồng thành công từ cây lúa sang cây bưởi da xanh, mỗi năm vườn bưởi da xanh của anh cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh đang phát triển xanh tốt, anh Hưng kể, trước đây, gia đình có 4 ha đất ruộng chuyên trồng lúa, nhưng thu nhập không cao, chi phí đầu tư lớn, thiếu đầu ra, giá cả bấp bênh và đặc biệt là luôn bị thương lái ép giá.
Anh Tăng Tấn Hưng, ở ấp Phú An A, là một điển hình về chuyển đổi cây trồng thành công từ cây lúa sang cây bưởi da xanh, với 1.400 gốc bưởi da xanh mỗi năm vườn bưởi của anh Hưng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Sau đó, anh chuyển 40.000 m2 đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò nhưng cũng không hiệu quả, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Từ ngày chuyển qua trồng bưởi da xanh, kinh tế gia đình anh bắt đầu đi lên; bưởi chưa thu hoạch đã có khách hàng đặt mua trước.
Anh Hưng cho biết, năm 2013, sau thời gian tìm tòi, tham quan, học tập các mô hình trồng cây ăn trái ở các địa phương lân cận, anh đã chuyển đổi 3.000 m2 đất trồng lúa sang trồng 400 gốc bưởi da xanh.
Vì là lần đầu tiên đưa cây bưởi da xanh về vùng đất Tân Châu nên anh chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc, dẫn đến lứa bưởi đầu tiên không cho năng suất như mong đợi. Ngoài ra, đầu ra cho trái bưởi da xanh cũng gặp khó, thương lái không đến vườn mua nên vợ chồng anh phải vận chuyển hàng cây số để đem ra chợ bán.
Không nản chí, anh Hưng dành nhiều thời gian tìm đến những vườn bưởi da xanh cho năng cao suất cao ở các tỉnh bạn để trực tiếp học tập kinh nghiệm của nhà vườn về kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc cây.
Bên cạnh đó, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại địa phương và tham khảo trên sách, báo để chọn lọc những kiến thức bổ ích áp dụng vào vườn bưởi da xanh của mình.
Theo anh Hưng, mỗi vùng đất khác nhau cây bưởi da xanh cần có chế độ chăm sóc khác nhau, nhưng nếu muốn vườn bưởi da xanh có năng suất tốt phải cần rất nhiều yếu tố. Theo đó, điều quan trọng là phải chọn giống tốt và sạch bệnh, lựa chọn được vùng đất phù hợp để cây bưởi da xanh phát triển, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, kỹ thuật và chăm sóc vườn thường xuyên.
Sau nhiều vụ mùa đạt hiệu quả, anh Hưng đã chuyển 1ha đất lúa của gia đình sang trồng 1.400 gốc bưởi da xanh.
Theo anh Hưng, trồng bưởi da xanh không dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Cây bưởi da xanh đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí lao động lớn, người trồng bưởi da xanh bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao, còn phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường để có được lợi nhuận.
Nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh hiện nay muốn có thu nhập nhanh nên trồng với mật độ rất dầy, cây này cách cây kia chỉ khoảng 1m, sau vài năm đã phải chặt bỏ vì năng suất giảm.
Do đó, để cây bưởi da xanh cho năng suất cao, trái to, đều, đẹp thì mật độ trồng phải thưa, cây không bị che nắng… cộng với quá trình xử lý đất, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, theo hướng an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap,.. sẽ giúp cây bưởi da xanh phát triển tốt, thời gian thu hoạch dài hơn từ 8 -10 năm.
Ngoài ra, để có vườn bưởi da xanh có quả phát triển đồng đều, to, đẹp phải chăm sóc kỹ, kiểm soát tốt số lượng quả trên một cây, thường dao động khoảng 40-60 quả/cây… Nhờ vậy, vườn bưởi của anh Hưng luôn cho trái to và đẹp, được thương lái tìm đến tận vườn để mua với giá cao hơn.
Trồng bưởi da xanh nông dân thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp anh Hưng đã xây dựng cho mình mô hình kinh tế khá vững.
Với giá bán trung bình từ 40.000 – 60.000 đồng/kg mỗi năm vườn bưởi của anh Hưng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Đây là mức thu nhập rất cao đối với hộ nhà vườn.
Từ hiệu quả mang lại của vườn bưởi da xanh, nhiều hộ dân trong xã Phú Vĩnh đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo.
Cùng với việc ngày ngày chăm sóc vườn bưởi da xanh của gia đình, anh Hưng còn dành thời gian giúp đỡ nhiều người trong xóm, thậm chí sang cho họ vay tiền mua cây giống về trồng.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu cho biết, xã có gần 1.300 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có khoảng 25 ha trồng cây ăn trái. Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái của anh Tăng Tấn Hưng là một mô hình hay cần được nhân rộng và là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Đây cũng là hướng đi mới cho địa phương trong việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững./.