Anh Bùi Văn Chung ở xóm 2 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Định) trồng 12.000 gốc đinh lăng, thu 200 tấn sản phẩm đinh lăng các loại, lãi ròng từ 200-300 triệu đồng mỗi năm…
Ở tỉnh Nam Định, việc trồng cây đinh lăng làm dược liệu đang được mở rộng diện tích không những góp phần giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú về nuôi trồng dược liệu.
Không lo đầu ra
Anh Bùi Văn Chung ở xóm 2 xã Hải Quang (Hải Hậu) hiện đang là chủ vườn đinh lăng 3,7ha. Trong câu chuyện với anh, chúng tôi được biết: Từ năm 2009 anh Chung chuyển đổi diện tích trồng cây sanh sang trồng cây đinh lăng và loại cây dược liệu này đã không “phụ lòng” người tâm huyết với nó…
Những ruộng trồng đinh lăng tươi tốt mang lại thu nhập cao cho người dân xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Cũng vào thời điểm năm 2009, Cty cổ phần Traphaco về khảo sát đất, nguồn nước và phổ biến phương pháp trồng đinh lăng cho người dân địa phương đồng thời cam kết nếu trồng đúng phương pháp, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Thấy vậy anh Chung đã mạnh dạn thuê đất để trồng đinh lăng. Hiện tại, với diện tích 3,7ha, gia đình anh trồng 12.000 gốc đinh lăng, trung bình mỗi năm cho thu nhập 200-300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Dự kiến năm 2018, vườn đinh lăng của anh sẽ cho thu hơn 200 tấn sản phẩm.
Vườn đinh lăng của gia đình anh Bùi Văn Sớm, xóm 11, xã Hải Quang.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây đinh lăng, kỹ thuật trồng đinh lăng anh Chung cho biết: “Trồng đinh lăng muốn thành công phải chọn đất gồ cao, bởi nếu ngập úng thì cây sẽ chết; nếu trời rét quá thì phải “làm ấm” cho cây và làm cỏ, chăm bón, tưới phân, bón lân, mỗi năm 4 lần. Quá trình trồng đinh lăng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Từ ươm mầm, làm đất, lên luống đến chăm sóc, phải tuân thủ yêu cầu đặt ra và phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện nấm mốc cây thì phải chặt để hủy bỏ ngay, tránh lây lan sang cây khác”.
Anh Chung cũng cho biết thêm, trồng đinh lăng, cái lợi thứ nhất là anh không phải lo “đầu ra”, cứ yên tâm mà chăm sóc cây phát triển theo quy trình được hướng dẫn vì Cty đã cam kết với người dân thu mua cao hơn so với giá thị trường. Thứ hai, qua tham gia các đợt tập huấn về trồng cây dược liệu lâu năm, kiến thức trồng trọt của anh cũng như của người dân được mở rộng, số lượng cây trồng mới bị chết ít, năng suất chất lượng nâng lên… Hiện tại, từ trồng đinh lăng và năng động phát triển thêm các loại hình kinh tế, gia đình anh Chung đã có một cơ ngơi khang trang, có điều kiện nuôi các con ăn học thành đạt.
Vườn cây đinh lăng của vợ chồng anh Bùi Văn Sớm – Vũ Thị Thêu, xóm 11 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Định) cho lãi ròng bình quân 300 triệu đồng/năm.
Cả làng trồng đinh lăng
Về xóm 11, xã Hải Quang chúng tôi tới thăm vườn đinh lăng 3ha của anh Bùi Văn Sớm với hàng chục nghìn gốc cây đang mơn mởn. Anh Sớm cho biết, đinh lăng vốn là loại cây quý, có nhiều tác dụng trong đông y. Anh gắn bó với cây đinh lăng đến nay đã được 16 năm. Cuối năm 2014, anh quyết định chuyển sang trồng đinh lăng theo GACP-WHO.
Hiện tại gia đình anh đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Traphaco, trung bình mỗi năm cung ứng khoảng 100 tấn đinh lăng khô (tương đương 450 tấn đinh lăng tươi). Với giá 105.000 đồng/1kg, trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi năm, trồng đinh lăng gia đình anh lãi ổn định trên dưới 300 triệu đồng/ha.
Anh Bùi Văn Sớm chăm sóc, kiểm tra vườn đinh lăng.
Cùng với trồng đinh lăng, gia đình anh Bùi Văn Sơm còn kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2,3 mẫu ao và trồng xen canh 1ha ngô để làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt. Có đầu ra ổn định, anh còn vận động các hộ dân quanh vùng tham gia trồng đinh lăng để nâng cao thu nhập. Hiện tại ngoài lo tiêu thụ đinh lăng của gia đình, anh còn thu mua đinh lăng tươi cho bà con để sơ chế, sấy khô xuất bán cho công ty Traphaco…
Theo anh Sớm, cây đinh lăng không đơn thuần là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho người nông dân. Trồng cây đinh lăng cho thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa, nhưng không phải ai cũng theo được, vì trồng đinh lăng ít nhất sau 4 năm mới được thu hoạch. Ngoài ra để trồng được đinh lăng phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất, máy móc, hệ thống máy bơm tự động và phải có kiến thức, tâm huyết nếu không hiệu quả sẽ không cao và rủi ro cũng lớn.
Toàn xã Hải Quang hiện có khoảng 40ha trồng cây đinh lăng rải rác ở tất cả các xóm. Ngoài việc vận động, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng đinh lăng, xã luôn chú trọng tuyên truyền để bà con thực hành tốt việc trồng, thu hái và sơ chế nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng dược liệu trước khi xuất bán cho công ty.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự mạnh dạn trong chuyển đổi sản xuất của người nông dân địa phương, vừa qua xóm 2, xã Hải Quang đã được tỉnh công nhận “Làng nghề trồng cây dược liệu”. Đây là tín hiệu vui và là hướng đi phù hợp giúp người nông dân Hải Quang có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương./