Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất trồng cây ăn quả, nhiều nông dân của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã trồng xen canh các loại cây dược liệu, rau, màu ngắn ngày dưới tán cây ăn quả. Đây được xem là cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong huyện, nhất là ở những diện tích cây ăn quả mới trồng.
Nông dân xã Tân Dân trồng xen canh cây địa liền-1 loại cây thuốc Nam dưới tán vườn cam Canh cho thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích
Hiện nay, huyện Khoái Châu có trên 3.500ha trồng các loại cây ăn quả như: nhãn, chuối, cam, bưởi, táo… Trong đó, diện tích trồng xen canh cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán các cây ăn quả khoảng 350ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Dân, Dạ Trạch, Bình Minh, Tứ Dân, Tân Châu… Đối với cây dược liệu được lựa chọn trồng xen chủ yếu là cây địa liền và tam thất; cây ngắn ngày chủ yếu là lạc, đỗ tương, rau, màu các loại.
Đến thăm vườn cam của anh Nguyễn Văn Lưu, xã Tân Dân vào thời điểm này trông thật thích mắt với những cây cam cao quá đầu người trĩu trịt quả chín, bên dưới là màu xanh rì của cây địa liền. Cách đây 5 năm, anh Lưu chuyển đổi gần 6 sào ruộng sang trồng cam đường canh, cũng từ đó anh bắt đầu trồng xen thêm cây địa liền bên dưới cam. Địa liền thường xuống giống vào tháng Giêng đến tháng Chạp mới cho thu hoạch.
Năng suất củ địa liền của gia đình anh Lưu trung bình đạt 7 – 8 tạ/sào (đạt 80% so với năng suất địa liền trồng thuần), được thương lái đến tận nơi thu mua với giá 17.000 – 18.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí cho thu lãi từ 9 – 10 triệu đồng/sào/năm. Những năm mới trồng, cam đường canh chưa cho thu hoạch thì nguồn thu từ củ địa liền đã giúp gia đình anh có thêm thu nhập để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau khi trồng 3 năm, cam đường canh cho quả, năm nay gia đình anh ước thu 4,5 – 5 tấn quả. Tính ra, tổng thu nhập từ cam và địa liền đạt 120 – 130 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí.
Anh Lưu cho biết: “Việc trồng xen cây địa liền không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây cam mà có thể tận dụng được lượng phân bón, thuốc trừ sâu nông dân bón cho cam, vừa hạn chế được cỏ dại. Đến tháng 5, tháng 6, lá địa liền xòe rộng phủ kín mặt đất có tác dụng giữ độ ẩm cho cây cam trong những ngày nắng nóng. Không những vậy, địa liền còn là loại cây ít bệnh, dễ chăm sóc và mang lại thu nhập cao”.
Cây nghệ có đặc tính củ giống có thời gian “ngủ” trong đất khá dài, thường sau trồng 35 – 45 ngày mới mọc lên khỏi mặt đất, tranh thủ thời gian này nông dân xã Chí Tân đã trồng xen thêm vụ lạc xuân, nhưng lạc trồng trước nghệ 20 – 30 ngày. Sang tháng 2 âm lịch, khi cây lạc đã phát triển được 3 – 5 lá, người dân tiến hành trồng nghệ vào giữa các hàng lạc.
Không những vậy, nông dân ở đây còn trồng xen thêm hai hàng đỗ tương vào mỗi luống nghệ. Đậu tương là giống cây trồng ngắn ngày nên cho thu hoạch đầu tiên. Mỗi sào đậu tương trồng xen cho năng suất khoảng 40kg. Sau khi thu hoạch, thân, rễ cây đậu tương nông dân dùng để phủ vào gốc cây nghệ, còn hạt đậu tương được nghiền nhỏ hoặc ngâm, ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây nghệ.
Đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, nông dân Chí Tân bắt đầu thu hoạch lạc. Mặc dù trồng xen nhưng năng suất lạc vẫn bằng 80% năng suất so với lạc trồng thuần, nguồn thu từ lạc đủ chi phí các loại vật tư cho trồng nghệ. Lạc, đậu tương trồng xen trong nghệ được coi là cây trồng phụ vừa tăng thêm thu nhập, vừa hạn chế cỏ dại phát triển, giữ ẩm, hạn chế rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn đất và còn có vai trò hỗ trợ đáng kể làm phân bón cho cây trồng chính – cây nghệ, bởi lạc, đậu tương đều là cây họ đậu nên trong rễ, thân, lá có chứa vi khuẩn cố định đạm có thể bổ sung lượng đạm cho cây nghệ.
Từ nhiều năm nay, chị Bùi Thị Nguyệt ở thôn Tân Hưng, xã Chí Tân đã trồng nghệ theo cách như vậy. Chị Nguyệt cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào nghệ trồng xen lạc, đậu tương, cách làm này không chỉ tận dụng được quỹ đất mà còn giúp tận dụng được nguồn phân hữu cơ vi sinh bón cho nghệ, tiết kiệm được chi phí, công chăm sóc, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Chính vì thế nên dù giá lạc cao hay thấp thì chúng tôi vẫn trồng xen với nghệ”.
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu: “Từ nhiều năm nay, mô hình trồng xen canh “2 trong 1”, “3 trong 1” đã không còn xa lạ với nông dân Khoái Châu và khẳng định được hiệu quả vượt trội. Với cách làm này, diện tích đất nông nghiệp được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất của người dân. Thu nhập kép trên một diện tích đất ruộng là một cách làm hay của nông dân cần được khuyến khích và nhân rộng”.