Tình cờ nhân giống bơ đặc sản, dịch bệnh hoành hành như thế, nông dân Đắk Nông vẫn bán nhanh vèo vèo
Bén duyên với cây bơ đặc sản
Gia đình anh Nguyễn Kim Phương từ Hà Nội vào xã Quảng Phú lập nghiệp từ năm 2007. Những năm tháng sinh sống trên vùng đất mới, anh phát hiện quả bơ vùng đất Đắk Nông có những đặc trưng riêng, nhất là về độ dẻo, màu sắc và hương vị.
Anh Phương và gia đình quyết định dốc hết vốn liếng, tâm lực để phát triển cây bơ. Ban đầu, gia đình anh thuê đất trồng bơ. Sau ít năm có thu nhập, anh mua được đất để tạo riêng cho mình một vườn bơ được chăm sóc khá bài bản.
Người dân trên địa bàn chủ yếu trồng các giống thông thường. Còn anh Phương lại quyết định đầu tư trồng những loại bơ đặc sản như bơ booth, 034, hass…
Các giống bơ này có tính ưu việt lớn, khắc phục được những hạn chế của bơ thông thường như vỏ mỏng, dễ hư hỏng khi thu hái, thời gian chín ngắn… Điều quan trọng hơn, thị trường trong nước và thế giới đang rất ưa chuộng những loại bơ này.
Từ năm 2017, gia đình anh Phương bắt đầu ghép bơ booth vào các chồi bơ pinkerton, hass, reed. Đến nay, vườn bơ đã cho thu hoạch chính, với năng suất khá cao, khoảng 15 tấn/ha.
Anh Phương cho biết, các giống bơ đặc sản khi ghép vào gốc bơ booth rất phù hợp, chỉ khoảng 1 năm sau là cho quả. Đặc biệt, do cho thu hoạch trái vụ, nên sản phẩm bơ rất dễ tiêu thụ.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng, các giống bơ của anh trồng có hàm lượng dầu cao, nên đủ khả năng cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh dầu.
Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhiều loại bơ xuống thấp. Nhưng vườn bơ của anh cơ bản vẫn giữ được giá bán, ít phụ thuộc vào thị trường.
Anh Phương rất chú trọng ứng dụng các kỹ thuật nhằm tạo ra quả bơ chất lượng, mẫu mã và nhiều dinh dưỡng. “Đây là cơ sở để tôi từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu bơ núi lửa Nâm Kar, thuộc hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông”, anh Phương chia sẻ.
Hợp tác cùng trồng bơ đặc sản vùng núi lủa Nâm Ka
Thời gian qua, anh Phương đã truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc bơ, xây dựng thương hiệu bơ núi lửa Nâm Kar cho nhiều người dân trong vùng.
Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Kiến Hùng, ở cùng thôn, đã trồng thành công 1 ha bơ pinkerton, hass.
Theo ông Hùng, việc trồng các giống bơ này khó nhất là bảo đảm các yếu tố dinh dưỡng cho từng thời kỳ cây sinh trưởng, phát triển. Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng phải được sử dụng đúng thời điểm, liều lượng mới đạt tỷ lệ đậu quả mong muốn…
“Tất cả những kỹ thuật đó, anh Phương đã truyền đạt lại cho bà con trong vùng. Nhờ đó, việc chăm sóc vườn bơ của bà con đã trở nên thuần thục, bảo đảm yêu cầu để cây bơ phát triển tốt, đem lại sản phẩm chất lượng cao”, ông Nguyễn Kiến Hùng cho biết.
Năm 2020, nhờ sự vận động của anh Phương, 10 hộ sản xuất bơ chất lượng cao trên địa bàn thôn Phú Sơn đã thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô. Hiện HTX đã có diện tích bơ đặc sản lên tới 70 ha, phần lớn đều đạt chứng nhận VietGAP.
HTX đã liên kết được với một số doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm. Trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bơ Mỹ Hoàng Gia (Gia Lai) sẵn sàng thu mua hàng trăm tấn bơ mỗi năm cho HTX.
Anh Phương kỳ vọng: “Đất đai, khí hậu khu vực núi lửa Nâm Kar có những giá trị riêng. Do đó, khi canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, đặc trưng riêng. Đây là những giá trị riêng, không nơi nào có được”.
Thời gian qua, HTX cũng đã phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng, quảng bá thế mạnh, thương hiệu sản phẩm bơ núi lửa Nâm Kar. HTX hy vọng, trong thời gian tới, sẽ đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Hướng tới phát triển bền vững
Đắk Nông là tỉnh có diện tích bơ tăng mạnh. Năm 2017, diện tích bơ của tỉnh chỉ ở mức gần 1.300 ha, sản lượng gần 4.300 tấn/năm. Đến nay, diện tích bơ của tỉnh vào khoảng 3.000 ha, sản lượng trên 19.000 tấn/năm.
Giá bơ của tỉnh những năm gần đây sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1/3 so với trước đây. Một trong những nguyên nhân là do cung vượt cầu, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Phần lớn diện tích bơ của tỉnh có thời gian thu hoạch, bảo quản ngắn, dễ hư hỏng. Từ thực tế này, nhiều người dân, HTX trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thay đổi cách thức, quy trình sản xuất bơ theo hướng chất lượng cao, bền vững, gắn với xây dựng thương hiệu.
Trong đó HTX Nông nghiệp Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô là một trong những đơn vị đi đầu trong xu hướng này. HTX sản xuất bơ theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng giá trị thương hiệu.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông, bơ vùng núi lửa Nâm Kar được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bởi vì cây bơ được trồng trên nền đất đỏ bazan, hòa trộn với khoáng chất được hình thành từ núi lửa phun trào. Quả bơ ở đây có giá trị riêng như kích cỡ to, đẹp, mùi vị thơm, dẻo…
Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bơ là loại cây trồng thế mạnh của tỉnh. Việc phát triển cây bơ bền vững, gắn với thế mạnh đặc trưng, có nhãn hiệu, thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm.
Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đang định hướng phát triển bơ theo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với các chuỗi giá trị; liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp bao tiêu, chế biến.