Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như: gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, cá tra… đã xuất khẩu đi khắp thế giới với kim ngạch cao.
Tuy vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt, nền nông nghiệp của nước ta cần chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh, lấy mục tiêu là gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và an toàn đối với con người.
Về tăng trưởng xanh trong ngành Nông nghiệp Việt Nam
Sử dụng đất nông nghiệp
Tại Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng trên 27,3 triệu ha, tương đương với 80,4% tổng diện tích Việt Nam, đóng góp 24% GDP, sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia. Thực tế, tỷ lệ người đang sinh sống ở nông thôn và miền núi chiếm tới gần 70% dân số của Việt Nam. Giá trị thặng dư thương mại của ngành Nông nghiệp lên tới 10,6 tỷ USD, với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt giá trị trên 1 tỷ USD (lúa gạo, cà phê, cao su, điều, gỗ, thủy sản…).
Số liệu thống kê cho thấy, quỹ đất nông nghiệp được sử dụng cho nhiều loại hình như: sản xuất nông nghiệp với 11,530.2 nghìn ha, đất trồng cây hàng năm là 6,998 nghìn ha, đất lâm nghiệp là 14,923.6 nghìn ha… Diện tích đất của Việt Nam ta được tận dụng khá triệt để, lượng đất bỏ hoang và chưa đưa vào sử dụng là rất thấp.
Diện tích đất sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng qua các năm. Từ năm 2005, Việt Nam bắt đầu xây dựng và triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích triển khai thí điểm là 6,5 nghìn ha.
Các năm tiếp theo, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ tiếp tục tăng, nhưng không đồng đều, năm 2006, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ tăng lên tới 21,9 nghìn ha, gấp 3,37 lần năm 2005.
Tuy nhiên, do mở rộng sản xuất thực phẩm hữu cơ nhưng thiếu kiến thức và triển khai không đúng kỹ thuật nên tới năm 2007, diện tích nông nghiệp hữu cơ lại thu hẹp còn 12,1 nghìn ha. Sau năm 2007, việc thực hiện sản xuất rau hữu cơ có sự học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế nên tăng trưởng liên tục, diện tích nông nghiệp hữu cơ tăng nhanh, đạt 76,67 nghìn ha năm 2015.
Mặc dù, Việt Nam đã có nỗ lực thực hiện chuyển dịch mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch hơn và hiệu quả hơn, song kết quả đem lại chưa thực sự tốt. Với mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông sản tuy đảm bảo chất lượng và giảm bớt tác động xấu tới môi trường nhưng năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp. Có thể lý giải nguyên nhân của vấn đề này là do đầu tư chưa đủ đầu cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là giống, công nghệ và kỹ thuật nuôi trồng.
Quản lý đất canh tác nông nghiệp
Bảng 2 cho thấy, hiện trạng quản lý đất nông nghiệp hiện nay là khá thấp: chủ yếu là đất trồng rừng được quản lý và giám sát tương đối chặt chẽ, khoảng 22- 32% so với diện tích đất được đưa vào sử dụng, mới có 1% đất sản xuất nông nghiệp được bàn giao quản lý. Mức độ quản lý đất nông nghiệp cũng chỉ ra rằng, khả năng đồng bộ và thay đổi mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Hoạt động phân phối sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường nước ta đang trong tình trạng khó kiểm soát. Lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khiến các đại lý thuốc bỏ qua hậu quả của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Ngoài ra, hiện trạng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chưa rõ chất lượng, làm giả thương hiệu, nhái thương hiệu thuốc được duyệt đưa vào sử dụng còn phổ biến.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 tấn đến 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, thuốc trừ sâu chiếm 20,4%, thuốc trừ bệnh chiếm 23,2%, thuốc trừ cỏ chiếm 44,4%, các loại thuốc bảo vệ thực vật khác chiếm 12%. Thuốc bảo vệ thực vật nhập vào nước ta chủ yếu là từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Singapo, Thái Lan, Nhật Bản… trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc với 57,2% tổng kim ngạch, tăng 26,08% (tức 151,6 triệu USD). Ấn Độ với 14,5 triệu USD, tăng 5,77%…
Có thể thấy, hoạt động giám sát thuốc trừ sâu, phân bón và an toàn thực phẩm là một trong những điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Chất lượng quản lý của toàn bộ chuỗi giá trị được chia làm 3 phân khúc riêng biệt gồm: Đầu vào nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và phân phối sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, có nhiều cơ quan chuyên trách để đánh giá và giám sát đối với từng phân khúc nhưng sự phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan này là rất hạn chế.
Ứng dụng công nghệ kỹ thuật xanh trong nông nghiệp
Thời gian qua, đã có nhiều mô hình canh tác tiên tiến được thực hiện, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ, quy trình nuôi trồng quy chuẩn, thân thiện với môi trường và cho năng suất, chất lượng môi trường cao.
Chẳng hạn như mô hình sản xuất rau an toàn tại tỉnh Lâm Đồng (mô hình với diện tích 600 ha được sản xuất theo 2 dạng là công nghệ sản xuất cách ly trong nhà lưới không sử dụng phân bón, nông dược vô cơ; và cách ly trong nhà lưới có sử dụng giới hạn nông dược vô cơ) thu hút nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất và ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất hoa.
Hay tại tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng mô hình trồng nấm sạch với hơn 100 trang trại tham gia, sản lượng đạt 500 tạ/năm, mô hình 130 ha rau an toàn (với công thức 5 cấm trong rau sạch và 3 chỉ tiêu an toàn) cho sản lượng 25.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có các mô hình khác do một số doanh nghiệp đầu tư như mô hình sản xuất rau hoa công nghệ cao của Công ty Giống cây trồng Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nông lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng với hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của Israel…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù nhiều địa phương đã áp dụng thành công các quy chuẩn về xây dựng mô hình nông nghiệp sạch, tăng trưởng xanh, song quy mô còn nhỏ lẻ và rời rạc.
Một số giải pháp, khuyến nghị
Để vượt qua những rào cản khi thực hiện nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức về nông nghiệp xanh.
Chiến lược Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh ở nước ta đã được đề cập đến trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2011- 2015 và mới đây là trong Đề án giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, ngành Nông nghiệp trong thời gian tới sẽ phải chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để hướng tới sự phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế của người dân, doanh nghiệp; giữa thu hút đầu tư với bảo vệ môi trường. Vấn đề đầu tiên cần thực hiện là thay đổi nhận thức, từ các cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tới từng người dân. Các cơ quan chức năng, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để truyền tải thông điệp cảnh báo đến người dân về những biểu hiện suy thoái về môi trường, suy kiệt về tài nguyên do cách thức sản xuất nông nghiệp không an toàn, không bền vững bấy lâu nay.
Thứ hai, nhân rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh.
Các tổ chức xã hội dân sự đã phát triển nhiều mô hình thí điểm, nghiên cứu các phương pháp sản xuất mới và thực hành quản lý tài nguyên thiên nhiên. Điều này phần nào giúp khắc phục được sự đánh đổi giữa năng suất nông nghiệp và mục tiêu môi trường. Do đó, cần phải đánh giá các tác động kinh tế, xã hội và môi trường của thực hành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và kiểm tra những ưu điểm/nhược điểm của các mô hình này để nâng cấp, tăng quy mô và nhân rộng.
Thứ ba, thúc đẩy liên kết nông dân – doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh.
Các biện pháp canh tác của nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh chỉ có thể thực hiện lâu dài nếu nông dân thu được nhiều lợi nhuận hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Điều này chỉ được đảm bảo nếu sản phẩm nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh được bán ở các kênh thị trường giá trị cao, nơi mà người nông dân thường không vươn tới được do giới hạn về năng lực. Trên thực tế, hiện nay doanh nghiệp là chìa khóa thúc đẩy chuỗi giá trị xanh ở Việt Nam do họ có vốn, năng lực quản lý và khả năng tiếp cận thông tin. Các doanh nghiệp nên tổ chức, định hướng và tạo điều kiện để các hộ nông dân nhỏ tiếp cận được với thị trường nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh.
Thứ tư, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP, trước hết là ở những vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả, nhân rộng mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp, nhất là trên cây chè và cây ăn quả; Kiểm soát nghiêm ngặt việc kinh doanh, buôn bán, sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Xây dựng và củng cố về tổ chức, nội dung hoạt động của mạng lưới dịch vụ bảo vệ thực vật cơ sở; Đẩy mạnh công tác tập huấn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở, đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật và người nông dân; Tiếp tục vận động các địa phương xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tìm kiếm, liên kết với doanh nghiệp để xử lý bao bì… Cần có chính sách và biện pháp khuyến khích để hỗ trợ mọi mặt trong việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc thế hệ mới trong sản xuất nông nghiệp…