Bến Tre được coi là “thủ phủ” bưởi da xanh ở miền Tây với tổng diện tích gần 10.000ha. Từ cuối năm 2022, người trồng bưởi phấn khởi khi chứng kiến những trái bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” từ sau Tết giá bưởi lao dốc, người trồng thua lỗ. Nhiều vườn bưởi người dân bỏ hoang hoặc trồng xen dừa xiêm và điều để tính toán thay thế vườn bưởi.
Bưởi da xanh Bến Tre rớt giá kéo dài người trồng bưởi thua lỗ. |
Giá bưởi giảm không đủ chi phí chăm vườn
Dọc những tuyến đường tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nhiều vườn bưởi da xanh bị bỏ phế, hoang tàn vì lâu ngày không được chăm sóc. Do giá bưởi đứng ở mức thấp trong một thời gian dài, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, nhà vườn càng duy trì cây bưởi càng bị lỗ.
Đầu tháng 3, vườn bưởi da xanh 4 ha, 15 năm tuổi của ông Huỳnh Văn Quận (56 tuổi, ấp Long Hội, Giao Long, Châu Thành) vừa thu hoạch đợt cuối, trước khi dưỡng hoa cho cây chuẩn bị vụ sau.
25 năm trước, ông Quận là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn bỏ cây nhãn, trồng bưởi da xanh. Mỗi ha bưởi tốn chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Từ khi trồng cây đến lúc thu hoạch mất gần 5 năm.
Khoảng 5-7 năm trước, thời điểm bưởi da xanh có giá 40.000-50.000 đồng một kg, đa số người trồng bưởi lãi lớn. Bình quân, mỗi tháng vườn ông Quận thu hoạch 5-10 tấn bưởi, lợi nhuận trên 300 triệu đồng, đặc biệt hai tháng cận Tết Nguyên đán hàng năm, lợi nhuận tăng gấp đôi.
Ông Huỳnh Văn Quận bên vườn bưởi vừa thu hoạch với giá 21.000 đồng một ký. Ảnh: Hoàng Nam |
Hai năm gần đây, bưởi da xanh liên tục rớt giá, thương lái mua “xô” (thu mua hết các kích cỡ lớn, nhỏ) tại vườn dao động 15.000-20.000 đồng một ký.
Vụ thu hoạch vừa rồi, vườn nhà ông Quận hái hơn 7 tấn trái, chỉ bán được giá 21.000 đồng một ký. Ông cho biết do diện tích vườn lớn, cộng với gia đình tự chăm sóc, “lấy công làm lời” nên còn có chút lãi. Phần lớn các hộ khác trên địa bàn có diện tích nhỏ lẻ vài nghìn m2 đều không có lãi vì giá phân thuốc, nhân công chăm sóc tăng cao.
Cách vườn ông Quận hơn hai km, bà Trần Thị Thu Hoa (64 tuổi) cũng đang chăm sóc vườn bưởi 1,1 ha. Xen lẫn những gốc bưởi trong vườn là những cây dừa xiêm xanh, điều vừa được trồng sau Tết.
“Cây dừa xiêm sau 3 năm sẽ thu hoạch, lại chịu được hạn mặn, ít tốn công chăm sóc, nên nếu cây bưởi còn rớt giá kéo dài, nông dân chắc sẽ bỏ bưởi để trồng dừa”, bà Hoa nói.
Xuất khẩu sang Mỹ nhỏ giọt thị trường Trung Quốc đóng băng
Bến Tre hiện có khoảng gần 10.000ha bưởi da xanh, chiếm hơn 30% diện tích bưởi ở miền Tây (32.000 ha), hàng năm cho gần 200.000 tấn trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, hơn 3.300 ha.
Ông Võ Văn Nam, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre), cho biết địa phương này có gần 10.000ha bưởi da xanh, với gần 200.000 tấn trái mỗi năm. Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu trái bưởi da xanh sang thị trường sang Mỹ và các nước EU, Bến Tre đã hình thành 16 vùng trồng gắn với 30 mã số với diện tích gần 370ha.
Sau lô bưởi đầu tiên được xuất sang thị trường Mỹ, đến nay mới chỉ xuất thêm khoảng trên dưới 100 tấn nữa. Với sản lượng bưởi của tỉnh Bến Tre, số lượng bưởi xuất khẩu chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của trái bưởi da xanh vẫn là Trung Quốc. “Nhưng từ sau đợt dịch, do thị trường Trung Quốc vẫn chưa ăn hàng trở lại, trái bưởi tắc đầu ra nên rớt giá kéo dài”, ông Nam nói.
Ngoài ra, do việc thu mua xuất khẩu chiếm tỉ lệ còn thấp, người dân sẽ gặp khó khăn với lượng bưởi không đạt chuẩn còn lại. “Do giá bưởi luôn duy trì ở mức thấp, nhà vườn thua lỗ nên không mặn mà đầu tư cộng thêm tình trạng hạn mặn xâm nhập sâu, bất thường những năm gần đây khiến nhà vườn bỏ phế hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác”, ông Nam cho biết thêm.
Những vườn bưởi da xanh đã dược trồng xen dừa xiêm để dần thay thế cây bưởi. |
Cũng theo Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua, việc thu mua xuất khẩu bưởi da xanh đi các thị trường khó tính như Mỹ dù là thành công bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện tiêu chuẩn xuất bưởi phải đạt trọng lượng từ 1,2 kg đến 1,8 kg mỗi trái.
Tuy nhiên, do tỷ lệ thu mua xuất khẩu chiếm tỷ lệ còn thấp, người dân sẽ gặp khó khăn với lượng bưởi không đạt chuẩn còn lại. Trong khi đó, các thương lái thu mua bưởi xô bán nội địa chỉ cần tiêu chuẩn bưởi 0,5 kg trở lên.
Trái bưởi da xanh Bến Tre từ lâu đã nổi tiếng cả nước cả về diện tích và chất lượng. Tuy nhiên vào thời điểm từ Tết đến nay giá loại bưởi đặc sản này lại giảm mạnh khiến người trồng bưởi lo lắng. Dù bưởi da xanh Bến Tre đã được xuất khẩu sang Mỹ nhưng sản lượng không nhiều, bởi vậy người trồng bưởi da sanh phải đẩy mạnh việc liên kết để mở rộng các kênh tiêu thụ cả trong nước và các thị trường quốc tế./.