Thời gian qua, mô hình giảm nghèo bền vững từ “Dự án trồng măng tây xanh” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận triển khai đã giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo.
Tuấn Tú là thôn đồng bào dân tộc Chăm thuộc xã An Hải (Ninh Phước), hầu hết theo đạo Bà-ni, có dân số 2.196 khẩu (546 hộ). Do địa hình chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động, trong tổng diện tích tự nhiên 458 ha, Tuấn Tú chỉ có 137 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 65 ha ruộng lúa, còn lại là đất rẫy trồng rau màu các loại …
Trong những năm qua, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Tuấn Tú xuất hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là Mô hình giảm nghèo bền vững “Dự án trồng măng tây xanh” do Mặt trận tỉnh Ninh Thuận xây dựng.
Chia sẻ về mô hình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận Phạm Thị Bích Hà cho biết, Dự án trên có tổng kinh phí 390 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 của Trung ương MTTQ Việt Nam.
Được triển khai từ cuối tháng 9/2019, dự án có sự tham gia của 24 hộ của thôn Tuấn Tú trong đó có 11 hộ nghèo, cận nghèo và 13 hộ khó khăn. Với sự phối hợp của địa phương, sau khi xây dựng Dự án trồng măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, Trang trại nông nghiệp Tiên Tiến theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các hộ thực hiện theo đúng mục đích, mục tiêu của dự án.
Đến nay các hộ đã xuống giống với tổng diện tích 3,9 ha, trong đó có 2,5 ha đang thu hoạch và 1,4 ha mới xuống giống gần 3 tháng. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua 175kg măng tây xanh của 14 hộ trên với tổng số tiền hơn 8,7 triệu đồng.
Theo ông Từ Công Ý, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tuấn Tú, bước đầu Dự án đã mang lại hiệu quả, giúp các hộ nghèo có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Một gia đình nếu có diện tích canh tác 1-1,5 sào măng tây thì đủ mưu sinh được, thậm chí có thể dư dả nhờ tận dụng phế phẩm từ cây măng tây làm thức ăn nuôi bò.
Ông Ý cũng cho biết thêm, mỗi hộ tham gia Dự án nhận được 15 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun tia), tưới tràn. Trung bình mỗi sào trồng măng tây xanh phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng, HTX đầu tư cho bà con mua nợ giống rồi trừ dần khi thu hoạch. Sản phẩm làm ra được HTX hợp đồng với Công ty Tiên Tiến bao tiêu toàn bộ.
Có mặt trên vùng đất này từ 9 năm trước, cây măng tây xanh không chỉ thích ứng khí hậu, thổ nhưỡng mà còn giữ vị thế là cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay, tính cả ngoài dự án, diện tích trồng măng tây xanh ở Tuấn Tú khoảng 75 ha, bao gồm 35 ha của HTX, 20 ha của Trang trại Tiên Tiến và 20 ha do người dân trồng. Điều đáng nói không chỉ giúp người nghèo vươn lên, măng tây xanh còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên tại chỗ cho người lao động, những gia đình không có đất canh tác nhờ vậy không phải bỏ xứ đi xa làm ăn.
Từ thành công của mô hình, Ban Công tác Mặt trận thôn Tuấn Tú nhận định 24 hộ tham gia dự án trồng măng tây xanh này đảm bảo đều thoát nghèo trong thời gian tới. Dự án này, đã góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời góp phần cho HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thực hiện tốt khâu liên kết chuỗi giá trị.