Nhãn là cây ăn quả chủ lực và là cây trồng truyền thống của tỉnh Hưng Yên. Nguồn thu từ cây nhãn của địa phương này ước đạt 300 – 500 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ thâm canh cao cây nhãn, mà rất nhiều hộ dân đã thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Đạt được kết quả nổi bật nói trên là do, từ nhiều năm qua các cấp chính quyền và ngành chuyên môn tỉnh Hưng Yên, đã đồng hành cùng nông dân, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng các mô hình thâm canh nhãn VietGAP. HTX Nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu) là một trong những số đó.
Được thành lập tháng 7/2016, HTX Nhãn Miền Thiết chỉ có 8 thành viên và 10ha chuyên canh nhãn VietGAP. Sau 2 năm đi vào hoạt động, HTX đã mở rộng thành 26 thành viên với 22ha nhãn VietGAP. Qua đó đã cho thấy sự ra đời của HTX Nhãn Miền Thiết nói riêng, các HTX chuyên canh nhãn nói chung rất kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thế, một trong những thành viên sáng lập HTX Nhãn Miền Thiết cho biết: Ngay sau khi thành lập, các thành viên trong HTX đã được Sở NN-PTNT Hưng Yên, trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng NLS – TS, tổ chức cho đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng thâm canh nhãn VietGAP tại các mô hình trong tỉnh. Trong quá trình triển khai sản xuất, HTX tiếp tục được hỗ trợ các trình tự chứng nhận VietGAP như: Quy hoạch vùng trồng. Lựa chọn cơ cấu giống nhãn. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên cây nhãn. Và hỗ trợ xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu. Bao gói quy cách sản phẩm…
Nhờ vậy trong vụ nhãn năm 2017, HTX Nhãn Miền Thiết đã tiêu thụ được hơn 100 tấn nhãn quả qua hệ thống các siêu thị Nhất Nam, BigC, Vineco. Kế hoạch mùa nhãn 2018 này, HTX sẽ có hơn 300 tấn nhãn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến giá bán 30.000 đồng/kg, thời vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9.
Để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra, HTX sẽ tiếp tục chào hàng tới chuỗi các siêu thị trên toàn quốc, và sẵn sàng tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong khu vực. Tại thời điểm này HTX đã ký được hợp đồng cung ứng nhãn quả tươi cho một số nhà hàng, thương lái trên thị trường Hà Nội và địa phương lân cận.
Chị Nguyễn Thị Đào là thành viên tham gia HTX Nhãn Miền Thiết ngay từ những ngày đầu đã chia sẻ: Quả nhãn VietGAP luôn bán được tại vườn với giá cao hơn giá ngoài thị trường từ 25 – 30%. Nhưng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc nhãn VietGAP khắt khe hơn. Phân bón hữu cơ phải ủ hoai mục. Nước tưởi phải qua bể lọc để không còn tồn dư kim loại nặng và vi sinh vật có hại. Vườn nhãn không được kết hợp chăn thả gia súc, gia cầm. Tuyệt đối không lạm dụng các loại phân hoá học và chất kích thích sinh trưởng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục nhà nước cho phép dùng trên rau quả an toàn. Phun thuốc cũng phải theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng). Và nhà vườn phải có nhật ký chăm sóc nhãn, để truy xuất nguồn gốc khi cần…
HTX Nhãn Miền Thiết chủ yếu trồng giống nhãn muộn Khoái Châu (nhãn Miền Thiết). Giống có ưu điểm là ít ra quả cách năm. Thời vụ thu hoạch muộn hơn so với nhãn chính vụ từ 12 – 15 ngày. Chất lượng quả to, cùi dày, ngọt thơm. Đặc biệt quả nhãn Miền Thiết có độ đồng đều tự nhiên khá cao, khi chín ít bị nứt vỏ do thời tiết thay đổi. Nhờ đặc tính ưu tú này, nhãn muộn Khoái Châu đang được bà con nông dân các địa phương miền Núi phía Bắc ưa chuộng, đưa vào gieo trồng phổ biến.
Theo ông Đỗ Bá Nghĩa, Chủ nhiệm HTX Nhãn muộn Khoái Châu: Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho mở rộng các mô hình thâm canh nhãn VietGAP. Bởi quả nhãn Hưng Yên đang đứng trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Riêng vụ nhãn 2017 vừa qua, đã có hàng trăm tấn nhãn Thái Lan nhập về Hưng Yên, bán với giá thấp hơn đáng kể, chất lượng không thua kém, mà lại đều quả hơn. Tuy nhiên các loại nhãn Thái Lan nhập vào miền Bắc nước ta, đều có sử dụng thuốc bảo quản. Nên khi ăn thường có vị hăng hăng hoặc hơi ngai ngái. Để tự nhiên sau 1 – 2 ngày vỏ quả sẽ bị xỉn màu.
Ngoài HTX Nhãn Miền Thiết, tỉnh Hưng Yên còn có các HTX nhãn lồng Hồng Nam, HTX nhãn Nễ Châu và nhiều mô hình liên kết sản xuất nhãn khác… đang thâm canh nhãn theo hướng VietGAP. |