Sau nhiều lần trồng cây đinh lăng thất bại, mất trắng cả trăm triệu đồng, ông Trung, một nông dân xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An quyết “liều” thêm mộ lần nữa với cây sâm người nghèo. Quyết định táo bạo mang lại thành công bất ngờ với thu nhập 100 triệu đồng/năm/sào với mô hình trồng đinh lăng trong nhà lưới.
Ông Nguyễn Ngọc Trung (trú tại thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) là thương binh hạng 4/4, sau khi nghỉ công tác tại địa phương ông bắt tay vào làm kinh tế.
Quyết định trồng sâm người nghèo
Vốn có kinh nghiệm về y dược trong những năm quân ngũ, nhận thấy tại địa phương có rất nhiều loại cây dược liệu như: hà thủ ô, cà gai leo, cây thìa canh, cây cỏ đị ông Trung đã mày mò bào chế các loại cao thảo dược thử nghiệm cho gia đình, người thân dùng.
Sau đó, có một số người quen đặt hàng nên ông cũng nấu giúp. Từ đó, những công thức về các loại cao thảo dược được ông Trung hoàn thiện.
Đến thời điểm hiện tại thì đã hoàn tất các thủ tục, giấy tờ, đầu tư máy móc hiện đại để bào chế ra lượng lớn cao thảo dược cung ứng cho thị trường.
Đặc biệt, ông Trung nhận thấy cây đinh lăng là cây dược liệu quý, là thành phần chính trong nhiều loại thuốc. Tất cả các bộ phận của loại cây này đều có thể dùng chế biến thuốc nên giá trị kinh tế rất cao.
Ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An loại cây này mọc rải rác ở các vườn đồi, hầu như nhà nào cũng có một vài cây làm cảnh và làm gia vị chứ chưa ai quan tâm sử dụng như loại dược liệu. Quan sát quá trình sinh trưởng của cây đinh lăng trong tự nhiên, ông Trung nhận thấy, loại cây này phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Trung chăm sóc cho vườn đinh lăng trong nhà lưới của gia đình tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Th.P
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, nắm rõ các kiến thức, năm 2018, ông Trung quyết định đưa cây đinh lăng vào trồng trên đất ruộng. Vậy là 7.000 cành đinh lăng được ông đi xin giống từ các hộ dân trong huyện, giâm xuống đất. Sau thời gian chăm sóc, cây đinh lăng bén rễ, phát triển.
Thế nhưng, nắng hạn gay gắt và những đợt sương muối dày đặc đã khiến cây cháy lá, chết khô khi chưa kịp hái lá. Hơn 100 triệu đồng tiền làm đất, làm bầu, phân bón và công chăm sóc mất trắng.
Trồng đinh lăng trong nhà lưới
Thất bại ban đầu, không làm cho ông Trung nản chí, xác định cây đinh lăng trồng ở ngoài ruộng gặp thất bại là do điều kiện thời tiết cực đoan. Nếu đưa cây trồng này vào nhà lưới thì sẽ khắc phục được vấn đề này. Do đó, ông Trung đã liều đưa vào trồng thử nghiệm 2.000 gốc đinh lăng trên diện tích 500 m2 nhà lưới.
Sau 6 tháng trồng, cây phát triển xanh tốt và cho đợt lá đầu tiên với sản lượng lên đến 8 tạ/lứa, được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá 15.000 – 20.000 đồng/1kg. Mỗi năm 6 lứa thu hoạch với sản lượng lên đến 6 – 8 tấn lá, bán tươi tại ruộng hoặc ông Trung phơi khô.
Đặc biệt, để chủ động đầu ra cho cây đinh lăng, ông đã nghiên cứu cách bào chế thành cao, thành trà để bán ra thị trường. “Dược tính cây đinh lăng cao, là thành phần chính trong nhiều loại thuốc, có tác dụng tốt trong chăm sóc sức khỏe con người. Vì thế cây đinh lăng được ví là nhân sâm của nhà nghèo. Tôi đã bào chế thành công sản phẩm cao đinh lăng, trà đinh lăng túi lọc để bán ra thị trường”, ông Trung chia sẻ thêm.
So với các loại cây trồng khác thì cây đinh lăng tốn ít chi phí, ít công chăm sóc và cho thu hoạch lâu dài, năng suất cao và rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất huyện Con Cuông, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Trung.