Có gần 900 loại xương rồng khác nhau, bao gồm khoảng 6.000 cá thể trong vườn. Nhiều cây thuộc dạng quý, giá mỗi cây bé từ vài trăm USD đến vài nghìn USD. Ước tính, khu vườn có giá trị tiền tỷ.
Không có nhu cầu kinh doanh, chỉ muốn nhập thêm cây về và không muốn bán. Sở thích kỳ lạ trên có lẽ khiến anh Nguyễn Mạnh Cương (TP. Thủ Đức, TP.HCM) trở thành người sở hữu vườn xương rồng lớn nhất TP.HCM.
Hiện tại, khu vườn 1.000 m2 của anh có gần 900 loại xuơng rồng khác nhau, bao gồm khoảng 6.000 cá thể với các mức giá đa dạng trên thị trường, những cây sưu tầm thuộc dạng quý thì giá từ vài trăm USD đến vài nghìn USD/cây bé. Ước tính tổng giá trị khu vườn có thể lên tới vài tỷ đồng.
Theo chủ nhân khu vườn, để nói chính xác giá thì khó bởi có những cây lúc anh mua về thì có giá, nhưng qua quá trình trồng, chăm sóc đã được 10 năm, 20 năm, cây đó nay trở thành vô giá. Tuy nhiên, để đầu tư được khu vườn như hiện tại thì chắc chắn phải có tiền tỷ trong tay.
Niềm đam mê xương rồng của Nguyễn Mạnh Cương được nuôi dưỡng từ nhỏ, khi ba anh từng là giám khảo chấm thi bộ môn về cây xương rồng. Thời gian anh tiếp xúc, tìm hiểu và bắt đầu sở hữu loại cây này, tính đến nay đã gần 20 năm. Sở thích trong quãng thời gian dài làm cho khu vườn xương rồng ngày càng “khủng” về số lượng và chất lượng cây.
Vì nhập cây về mà không bán nên diện tích vườn cũng cần phải tăng dần, cây quá lớn nên anh đã nhiều lần phải dời vườn sang những vị trí rộng, phù hợp hơn.
Đa phần những giống xương rồng được anh nhập từ Thái Lan, Mỹ, châu Âu, một số ở Trung Quốc. Nguồn cây chủ yếu từ các quốc gia khác bởi Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên không có nhiều giống xương rồng.
Cây có thể được vận chuyển về bằng đường thủy, hàng không hoặc đường bộ tùy kích thước cây. Có những cây lâu năm rất lớn, chiều cao khi tìm được lên tới 4-5m nhưng cẩu về đến vườn bị gãy thân, rất đáng tiếc. Quá trình vận chuyển những cây to phải được bọc rất cẩn thận, bởi xương rồng rụng gai sẽ không mọc lại, cây bị sẹo cũng sẽ không lành và nếu không xử lý vết sẹo có thể nhiễm trùng, dẫn đến chết cây.
Phong trào chơi xương rồng ở Việt Nam mới xuất hiện, thay vì trồng cây khác cần cắt tỉa lá thì xương rồng ít phải tỉa. Song, người chơi cần làm cây kiên trì, đều đặn chứ không thể vì cây sống dai mà bỏ mặc. Muốn cây sống thì dễ nhưng chăm để cây ra hoa, quả, sinh sản giống đẹp là rất khó.
Hiện, anh Cương chưa có ý định kinh doanh loại cây này. Thay vào đó, dựa vào công việc chính là tư vấn, thiết kết, nếu khách hàng muốn tìm hiểu xương rồng thì anh sẽ tư vấn và bố trí không gian, cảnh quan trồng cây phù hợp trong gia đình. Tuy nhiên, chủ nhà cũng cần tìm hiểu và có kiến thức về giống cây để thuận tiện cho quá trình chăm sóc về sau.