Rau bò khai đi Mỹ

HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng xây dựng mô hình sầu riêng trồng xen rau bò khai theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu cho thu nhập cao và ổn định.

Đặc sản miền Bắc trên đất cao nguyên

Rau bò khai là một loại rau rừng thường mọc ở khu vực núi đá tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… Loài rau này dạng thân leo, người dân thường hái ngọn, lá non để luộc, xào, nấu canh… Hiện nay rau bò khai, được xem là đặc sản của một số tỉnh phía Bắc và có giá bán cao.

Tại Đắk Lắk, thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc là nơi sinh sống của đa số người đồng bào dân tộc Tày di cư từ Cao Bằng vào những năm 1980. Thời điểm vào Tây Nguyên, cây cà phê là nguồn thu nhập chính của họ.

Đến năm 2015, cây cà phê trồng lâu năm nên già cỗi, năng suất thấp, người dân muốn chuyển đổi cây trồng. Nhận thấy rau bò khai mang lại thu nhập ổn định, anh Hoàng Văn Hiệu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng (thôn Cao Bằng) đã đưa cây bò khai từ tỉnh Cao Bằng vào trồng dưới dạng sản xuất hàng hóa tại xã Ea Knuếc.

IMG_0291
HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng trồng hơn 40ha rau bò khai theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quang Yên.

Thời điểm trồng thử nghiệm, khả năng thích nghi rau bò khai không tốt và bản thân anh Hiệu cũng thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ sống của 2.000 cây giống bò khai (trị giá 120 triệu đồng) chỉ đạt 50%.

Sau một năm kiến thiết cơ bản, vườn bò khai bắt đầu cho thu hoạch, nhưng đa phần chỉ là rau bò khai xanh, giá trị dinh dưỡng không cao như bò khai đỏ. Do đó, từ 200 cây bò khai đỏ có sẵn, anh Hiệu đã tự nhân giống để trồng dặm lại trong vườn và thay thế cây bò khai xanh. Hiện tại, gia đình anh Hiệu đã có khoảng 1,3ha bò khai xen canh với cây sầu riêng, cho thu nhập ổn định.

Nhận thấy thu nhập tốt từ cây bò khai, năm 2017, 6 người dân trồng bò khai ở thôn Cao Bằng đã thành lập tổ hợp tác sản xuất rau bò khai. Đến năm 2020, tổ hợp tác kết nạp thêm 7 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 13 và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng. Đến nay, HTX có 21 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 40ha.

Theo anh Hiệu, sản lượng rau bò khai sản xuất tùy theo mùa, vào mùa lạnh thì sản lượng sẽ giảm nhưng bù lại giá cả tăng. Hiện nay, mỗi tháng HTX thu hoạch khoảng 2 tấn sản phẩm với giá trung bình 60.000 đồng/kg.

“Rau bò khai của HTX được tiêu thụ trên toàn quốc. Đặc biệt, hơn 2 năm nay, HTX đã ký được với đối tác xuất khẩu chính ngạch rau bò khai sang Mỹ với sản lượng mỗi tuần được hơn 2 tạ tùy theo đặt hàng”, anh Hiệu nói.

IMG_0220
Rau bò khai của HTX được trồng xen trong các vườn sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Anh Hiệu cho biết thêm, các thành viên chính thức của HTX đều thực hiện theo mô hình vườn sầu riêng trồng xen rau bò khai. Do đó sản lượng giảm hơn so với cách thành viên liên kết.

Đối với những thành viên chính thức có diện tích hơn 1ha thì thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 15 triệu đồng sau khi trừ tất cả chi phí. Còn các thành viên liên kết trồng chuyên canh thu nhập mỗi tháng 70 – 80 triệu đồng.

“Năm 2020, sản phẩm rau bò khai của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã được cấp Chứng nhận VietGAP. HTX yêu cầu các thành viên kiên định mục tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP hoàn toàn sử dụng thuốc, phân bón sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về chất lượng, mẫu mã cung cấp cho khách hàng. HTX cũng xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng phục vụ cho việc xuất khẩu”, anh Hiệu chia sẻ.

Về định hướng sắp tới, vị Giám đốc HTX cho biết, đơn vị muốn mở rộng diện tích. Tuy nhiên, các thành viên HTX đang gặp khó khăn do sầu riêng lớn nên chiếm diện tích. “HTX muốn nhân rộng mô hình nhưng gặp khó khăn do quỹ đất hạn chế, vốn đầu tư và đầu ra cũng chưa ổn định”, anh Hiệu thông tin.

Sản xuất theo hướng hữu cơ để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Trước đây, các thành viên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đều trồng cà phê và tiêu là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, sau thời gian canh tác cà phê già cỗi, tiêu bị chết nên họ tìm cây trồng mới. Khi những người đầu tiên đưa rau bò khai vào trồng thử nghiệm thấy phù hợp nên đã nhân rộng mô hình ra cho người dân xung quanh.

IMG_0264
Việc trồng rau bò khai giúp gia đình ông Triệu Văn Hành thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: Quang Yên.

Gia đình ông Triệu Văn Hành (ngụ thôn Cao Bằng) có hơn 1ha đất trồng sầu riêng xen ra bò khai. Ông Hành là một trong những thành viên đầu tiên của HTX trồng thử nghiệm rau bò khai. Ban đầu, ông cùng các thành viên khác phải nhập giống từ Cao Bằng vào.

“Với diện tích hơn 1ha, gia đình phải bỏ ra tiền giống hết 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình cũng đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm hết 25 triệu đồng. Thời điểm trồng thử nghiệm đúng vào giai đoạn dịch bệnh Covid-19 nên đầu ra không thuận lợi, dẫn đến không có thu nhập. Từ khi dịch bệnh tạm lắng, đầu ra ổn định nên gia đình bắt đầu có thu nhập tốt. Hiện nay mỗi tháng gia đình thu khoảng 15 triệu đồng từ việc bán rau”, ông Hành chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Nông Văn Long chuyển vào thôn Cao Bằng, xã Ea Knuêc từ năm 1985 và có hơn 6 sào đất trước đây trồng cà phê. Tuy nhiên, diện tích cà phê của gia đình già cỗi nên khi thấy mô hình trồng rau bò khai có hiệu quả, ông Long đã phá bỏ cà phê để chuyển đổi sang trồng rau bò khai.

“Việc trồng và chăm sóc rau bò khai đơn giản, nhưng chi phí đầu tư ban đầu cao. Do gia đình trồng ít nên thu nhập hàng tháng chỉ gần 10 triệu đồng. Khi cây bò khai phát triển ổn định, việc chăm sóc dễ hơn thì chỉ cần hội tụ đủ điều kiện che bóng và bón phân hữu cơ 4 lần/năm là có thể thu hoạch đều đặn theo từng đợt 3 – 4 ngày/lần”, ông Long nói.

Còn ông Hà Văn Dự, thành viên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng cho biết, rau bò khai đã mang lại thu nhập cao cho gia đình. Theo ông Dự, trước đây khi di cư vào thôn Cao Bằng, gia đình trồng chủ yếu là cà phê và tiêu. Tuy nhiên sau đó cà phê già cỗi, năng suất không cao nên gia đình chuyển đổi mô hình sang trồng rau bò khai.

IMG_0262
Rau bò khai là cây trồng mới trên đất Tây Nguyên nhưng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Quang Yên.

“Khi được vận động, gia đình quyết định phá bỏ vườn cà phê trồng xen tiêu để đưa giống rau bò khai từ Cao Bằng vào trồng. Sau thời gian khó khăn do dịch bệnh Covid-19 không có đầu ra, đến nay đầu ra đã tương đối ổn định.

Hiện mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập gần 20 triệu đồng từ mô hình trồng rau bò khai. Gia đình có 3 thành viên với nguồn thu nhập này thì cuộc sống khá tốt, chưa kể sắp tới sầu riêng cho thu hoạch sẽ có nguồn thu đáng kể”, ông Dự nói thêm.

Theo lãnh đạo UBND xã Ea Knuếc, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã đem đến nhiều kỳ vọng cho người dân địa phương, bởi rau bò khai không chỉ là cây trồng có giá trị trên phương diện kinh tế mà là cây trồng mới, được trồng, chăm sóc theo hướng hiện đại và chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm của cây bò khai đều được sử dụng theo hướng gia tăng giá trị là bán rau sạch trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn mà không cần qua trung gian nên bà con được lợi nhiều.

Tin Liên Quan