Với 4ha đất vườn tạp, đồi cằn, anh Trần Anh Tuấn trú tại xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã “hô biến” thành vườn cây ăn quả, đem lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, khiến bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng, ngưỡng mộ…
Lên xã Y Sơn bây giờ, dọc 2 bên đường vẫn còn nhiều khu đồi bỏ hoang cằn cỗi, đầy rẫy cây tạp, trông chẳng khác gì “vùng đất chết”. Nhưng khi đến khu 6, trang trại rộng 4ha trồng cây ăn quả của gia đình anh Trần Anh Tuấn, lại luôn rợp mát, được phủ xanh bởi những cây ăn quả. Chỉ cần nói vậy, cũng đủ biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình anh Tuấn đã phải kỳ công, vất vả cải tạo đất thế nào.
Để có thành quả hôm nay, anh Tuấn đã phải trải qua bao khó khăn, vất vả.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp anh Tuấn, đó là người đàn ông nhỏ thó, nước da ngăm đen, đậm chất của một người nông dân chân chất. Gặp người lạ, anh kiệm lời, vẻ nhút nhát. Nhưng khi được hỏi về việc trồng cây, phát triển trang trại, anh lại miệt mài, say mê chia sẻ kinh nghiệm mà mình tích cóp được trong suốt 10 năm qua.
Theo anh Tuấn, cái duyên trồng cây ăn quả đến với anh bắt đầu từ năm 2009, đó là lần anh có dịp về thăm Nông trường cam Cao Phong – Hòa Bình.
Cái duyên đến với nghề trồng trọt quy mô lớn khi anh có dịp về thăm Nông trường cam Cao Phong – Hòa Bình.
“Về Nông trường cam Cao Phong – Hòa Bình, nhìn những cam trĩu quả, căng mọng nước, lại thấy hiệu quả từ cây này đem đến, tôi đã mê mẩn và quyết tâm khởi nghiệp từ cây này”, anh Tuấn chia sẻ.
Thấy hiệu quả kinh tế từ cây cam đem lại, bao suy nghĩ, dự định trong đầu có lúc gần như tiêu tan khi nhìn khu đồi hoang hóa, cằn cỗi của gia đình mình.
“Dù có đôi lúc nản trí, tuy nhiên, cái khao khát làm giàu trên chính quê hương, cái đam mê đối với cây cam luôn thôi thúc, đã nhân lên động lực giúp tôi quyết định trồng thử nghiệm một số cây tại vườn nhà. Điều bất ngờ là, chỉ sang đến năm thứ 2, cây đã trĩu quả, to, mong nước, ăn ngọt. Tôi biết rằng mình đã thành công và cần nhân rộng mô hình”, anh Tuấn vui vẻ kể.
Từ kết quả ban đầu khi trồng thử nghiệm, anh Tuấn đã nhân rộng mô hình.
Trong những năm đầu, vừa trồng thử nghiệm, vừa tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cam, thấy có hiệu quả, anh Tuấn đã quyết định đầu tư vốn cải tạo 4ha diện tích đất đồi, bạc màu.
Trên diện tích 4ha, anh Tuấn trồng 4.500 gốc cây ăn quả, trong đó cây cam là chủ lực với 1.500 cây Cam canh, 1.000 cây cam V2 (Valencia- 2), 500 cây cam lòng vàng, 1.000 cây chanh đào, ngoài ra còn trồng 300 cây nhãn miền Nam, 300 cây ổi, 10.000 gốc dứa , trên 100 cây bưởi…
“Ngoài cây cam là chủ lực, tôi chọn thêm nhiều loại cây khác để trồng là do không muốn đầu tư kiểu “trứng bỏ một rổ” mà phân rải ra nhiều loại cây để tránh rủi ro về tiêu thụ sản phẩm, mất mùa do thời tiết và quanh năm có sản phẩm thu hoạch”, anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài trồng cam, anh Tuấn còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác để tránh gặp rủi ro khi “trứng bỏ một rổ”.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, diện tích và có nguồn dinh dưỡng bổ sung thường xuyên cho cây ăn quả, anh Tuấn còn đầu tư chuồng trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Hiện tại, gia đình anh có trên 1.000 con gà thả vườn, hàng chục con lợn thịt.
“Thực sự, cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể tin được mô hình của mình lại thành công ngoài mong đợi như thế. Mỗi năm, từ thu hoạch quả và chăn nuôi, tôi cũng thu về được cả tỷ đồng”, anh Tuấn vui vẻ cho biết.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Tuấn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 – 12 người, với thu nhập từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình trồng trọt, kết hợp với chăn nuôi đã giúp anh thu về cả tỷ đồng mỗi năm.
Từ một vùng đồi đất bạc màu, anh Tuấn đã tìm tòi và xây dựng cho mình một mô hình kinh tế cho thu nhập cao, mô hình trên đã được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Phú Thọ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá hiệu quả và cử cán bộ hướng dẫn, tư vẫn kỹ thuật và hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu để mở rộng thêm.
Từ thành công của anh Tuấn, nhiều gia đình ở Hạ Hòa đã học tập và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.