Một rừng sâm ba kích tím tự nhiên rộng hơn 1.000ha vừa được phát hiện ở cánh rừng nguyên sinh thuộc lâm phận rừng phòng hộ Đăk Mi, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.
Cho đến giờ này, có thể nói đây là vườn ba kích tự nhiên lớn nhất của Quảng Nam. Tỉnh yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt vườn ba kích này và khoanh định, xác lập thành khu bảo tồn gen gốc ba kích đặc hữu.
Ông Lê Trí Thanh (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam)
Đây được đánh giá là quần thể sâm ba kích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Quảng Nam và như một báu vật vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, con người nơi đây.
Tìm vào rừng sâm quý
Từ đập chính thủy điện Đăk Mi 4, chúng tôi xuôi thuyền theo dòng sông Đăk Mi để đến rừng sâm ba kích này. Mùa này, nước sông Đăk Mi xanh màu ngọc bích, hai bên bờ là những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn.
Sáng sớm, sương trắng phủ kín trên các ngọn cây. Phải mất gần một giờ đi thuyền và hơn nửa giờ đi bộ lên đỉnh núi, chúng tôi mới được tận mắt nhìn thấy rừng ba kích tím tọa lạc giữa cánh rừng nguyên sinh nằm ở độ cao khoảng 500m so với mực nước biển.
Ba kích mọc dày đặc dưới những tán rừng cổ thụ, thân cây leo quấn chằng chịt những cây rừng. Lá xanh ngắt, đọt tím, đâu đâu cũng thấy sự ngự trị của chúng. Những bộ rễ, củ của cây ba kích bám sâu lan rộng xuống đất, dưới thảm lá mục. Dưới những tán cây rừng, những cây sâm ba kích như được chở che. Những cây ba kích cho quả đỏ chót, chín mọng.
Càng đi sâu vào khu rừng, lên đến đỉnh, càng thấy cây sâm ba kích mọc nhiều dưới tán rừng, nơi mà ánh nắng mặt trời chỉ khẽ lọt xuống vài tia. Một số nơi ba kích tập trung dày đã được rào bởi thép B40.
Anh Hồ Ngọc Vương – cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi – kể rằng quần thể ba kích tím này được phát hiện bởi một người dân bản địa, là thành viên của tổ bảo vệ rừng cộng đồng vào cuối năm 2017. Những năm trước, anh em cũng hay đi tuần tra ở khu rừng này nhưng không để ý. Phải đến khi người dân này đi rừng, phát hiện và báo thì anh em lên kiểm tra và thấy rừng ba kích tím tự nhiên này với mật độ dày đặc nằm dưới tán rừng.
Rừng sâm ba kích này đến mùa sẽ nở hoa trắng. Đến tháng 5-6, cây sâm ba kích sẽ cho quả chín đỏ chót, tuyệt đẹp. “Chúng tôi khá bất ngờ vì cây sâm này mọc san sát nhau dưới đất với mật độ khá dày” – anh Vương nói.
Các cán bộ kiểm lâm dùng dao đào thử một cây sâm ba kích tím quấn lấy cây cổ thụ để quan sát. Hai cán bộ kiểm lâm phải chật vật đào một hồi lâu mà chưa thể đào hết, vì rễ và củ của cây ba kích này bám thật sâu dưới đất, mọc tua tủa rộng ra xung quanh. Bộ rễ của cây sâm ba kích có nhiều hình thù kỳ dị, có màu vàng nhạt.
Ông Huỳnh Đức Vũ – cán bộ kiểm lâm rừng phòng hộ Đăk Mi – cho biết không thể đếm được số cây sâm tự nhiên ở đây vì khu vực rừng này quá rộng, mật độ mọc của sâm dày đặc. Có rất nhiều cây sâm có độ tuổi từ 5-7 năm. “Có những bộ củ sâm khi đào lên có trọng lượng đến 1kg vì rễ củ mọc sâu và lan rộng dưới đất” – ông Vũ nói.