Nông dân Tây Bắc: Người trồng hoa vui vì giá hoa tăng đột biến
Trên cung đường vào bản Ái, bản Tông (xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La), bên cạnh những cánh đồng lúa, đồng ngô là những trang trại trồng hoa trải dài ngút ngàn.
Theo ông Đỗ Văn Thưởng, Giám đốc HTX Hoa Cao Cấp ở Chiềng Xôm thì hiện nay chỉ riêng ở Chiềng Xôm đã có hàng chục ha đất trồng hoa; trong đó chủ yếu là hoa hồng. Ngoài ra còn nhiều loại hoa khác như: Hoa cúc các loại, hoa hướng dương, hoa ly… Việc sản xuất hoa ở thành phố Sơn La không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tỉnh mà còn cung ứng một số lượng hoa rất lớn cho các tỉnh miền xuôi, vùng phụ cận Sơn La.
Hoa trồng ở Sơn La, đặc biệt là hoa hồng rất thích hợp với thổ nhưỡng, thời tiết nên có những lợi thế hơn hẳn những vùng khác: Cây hoa có thể cho nhiều lứa hoa trong 1 năm nêú được chăm sóc tốt. Bông to, cánh bền, màu sắc hoa tươi, thân hoa mập mạp, khoẻ khoắn… rất được khách hàng ưa thích.
Đến với trang trại hoa hồng ở cuối xã Chiềng Xôm, anh Lò Văn Tâm, dân bản Ái, dừng tay thu hoạch hoa, tâm sự: Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá hoa xuống thấp, đến mức 500 -700 đồng/bông nên người trồng hoa chúng tôi bị thua lỗ nặng. Một số lứa hoa chúng tôi buộc phải thu hoạch để bảo đảm cho cây và lứa hoa kế tiếp phát triển chứ bán ra thì chẳng đủ tiền thuê xe vận chuyển. Do đó có 1 số hộ đã cắt hoa, bỏ khô rồi đốt bỏ hoặc lấp đất làm phân bón. Nhưng mấy hôm nay, nhờ có chính sách mở cửa thông thoáng hơn nên giá hoa đã tăng gấp 2 – 2,5 lần, lên đến 1.500 – 1.700đ/bông, bà con phấn khởi lắm.
Cũng theo anh Tâm, bởi hoa hồng là cây công nghiệp nên việc đầu tư trồng hoa có tốn kém hơn nhiều so với trồng lúa, ngô… Nhưng bù lại, cây hoa hồng cũng như những cây hoa tươi khác đang được sản xuất hàng hoá ở Chiềng Xôm mang lại thu nhập cao gấp hàng chục lần so với các cây trồng trước đây. ” Nếu gặp thời tiết tốt, lại được giá thì mỗi ha hoa ở đây có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm” – anh Tâm bảo vậy.
Bên cạnh đó, việc trồng hoa ở Chiềng Xôm còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại chỗ: Làm đất, làm cỏ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, tỉa cảnh, cắt hoa và bán hoa, giao hoa cho khách… “Tuỳ từng thời điểm nhưng những việc làm thêm ở trang trại hoa như thế này, ít nhất cũng cho chúng tôi thu nhập hàng trăm ngàn/ngày” – Chị Quàng Thị Hiên, dân bản Xẳng (Chiềng Xôm. TP.Sơn La), bảo vậy.
Bên luống hoa hồng vừa thu hoạch xong, chị Quàng Thị Linh (dân bản Tông, xã Chiềng Xôm) vừa cắm cúi làm cỏ cho luống hoa, vừa tâm sự: Mấy hôm nay hoa tăng giá nên các chủ trang trại hoa phấn khởi lắm. Họ tăng lượng phân bón, í ới gọi chúng tôi đi làm cỏ, tỉa cành, bón phân, lấy nước cho hoa… Nghề làm thuê cho các trang trại hoa này thu nhập không cao nhưng khá ổn định. Chúng tôi không phải đi lại xa để kiếm việc làm. Đồng thời từ làm thuê mà chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm sản xuất mới: Cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vậy; cách cắt tỉa, thu hoạch; cách bao gói, tìm khách hàng tiêu thụ… Nhều nông dân ở bản Xẳng, bản Ái, Bản Tông… cũng đã có những trang trại hoa của riêng mình nhờ học hỏi và sự giúp đỡ của các chủ trang trại hoa mà họ làm thuê đấy.
Chỉ sau 5-7 năm trồng hoa, không ít hộ nông dân ở xã Chiềng Xôm đã có mức thu nhập cao và khá ổn định. Vì thế diện tích trồng hoa tươi trong xã Chiềng Xôm đã tăng mạnh trong mấy năm gần đây. Sản lượng hoa từ Chiềng Xôm đã thành nguồn hàng quen thuộc của TP.Hà Nội, Nam Định, Lào Cai, Yên Bái…
Dịch Covid-19 diễn biến khả quan hơn, nhiều thành phố lớn, tỉnh lân cận của Sơn La bắt đầu giảm phạm vi, quy mô, mức độ phong tỏa, giãn cách; các hoạt động vận tải được phép hoạt động trở lại,… đã góp phần làm người trồng hoa thấy sự khởi sắc trong mức độ tiêu thụ hoa cũng như giá cả hoa tươi mỗi ngày.
Trên con đường từ xã Chiềng Xôm vào thành phố Sơn La, các điểm bán hoa tươi bắt đầu hoạt động sôi động. Người người mua hoa chuẩn bị đồ cúng thắp hương đầu tháng cầu may. Có lẽ, sớm thôi, người trồng hoa Sơn La sẽ trở lại với nhịp sống bình thường, với những thu nhập ngày càng ổn định, nâng cao.