Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ loại quả nhiều mắt

Từ 1,2ha đất cát cằn cỗi trên gò, canh tác gì cũng không có lãi, anh Linh quyết tâm cải tạo, trồng thử cây mãng cầu (cây na), kết quả mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Anh Huỳnh Chí Linh (48 tuổi, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) là người đầu tiên ở địa phương mạnh dạn cải tạo diện tích trồng mì (sắn) thành vườn mãng cầu (na) với hệ thống tưới nước tự động, vừa bớt tốn công, vừa tăng thu nhập.

Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ loại quả nhiều mắt - 1
Anh Huỳnh Chí Linh là người đầu tiên ở xã Mỹ Lợi chuyển đổi cây trồng thành công (Ảnh: Doãn Công).

Theo anh Linh, trước đây, trên diện tích gò đồi cằn cỗi, gia đình anh và người dân xung quanh chỉ trồng mì, có hộ trồng keo nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ bỏ đất hoang.

Năm 2018, vợ chồng anh Linh nhiều lần vào Tây Ninh mua trái cây về buôn bán. Tại đây, được các chủ vựa trái cây chia sẻ bí kíp trồng mãng cầu, vợ chồng anh quyết định thử nghiệm với 400 cây giống.

“Lúc trước ở quê, tôi thấy vườn nhà nào cũng có 1-2 cây mãng cầu, quả rất sai nhưng chỉ được vài mùa thu hoạch thì cây chết rụi, do không biết cách chăm sóc. Sau khi học hỏi và áp dụng kỹ thuật của các chủ vựa trái cây ở Tây Ninh, cây tôi trồng phát triển tươi, khỏe hẳn”, anh Linh nói.

Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ loại quả nhiều mắt - 2
Vườn mãng cầu phát triển tươi tốt (Ảnh: Doãn Công).

Anh Linh chia sẻ, cây mãng cầu chịu được nắng hạn, rất phù hợp trồng trên đất cát, dù vậy vẫn phải cung cấp đủ nước cho cây vào mùa nắng. Đặc biệt, thời kỳ cây ra hoa kết trái phải tưới nước thường xuyên. Như vậy quả mới đậu nhiều và đẹp.

Đến mùa mưa, phải khơi rãnh thoát nước trên đất vườn, nếu không cây sẽ bị úng chết. Bên cạnh đó, phải chịu khó bón phân chuồng để làm giàu chất dinh dưỡng cho đất.

Trồng khoảng gần 2 năm, mãng cầu bắt đầu cho lứa quả bói và vụ kế tiếp có thể thu hoạch rộ. Nhận thấy cây mãng cầu hợp với thổ nhưỡng nơi gia đình sinh sống, anh Linh mạnh dạn mua thêm đất vườn bỏ hoang để mở rộng diện tích trồng.

Đến nay, trên diện tích hơn 1,2 ha, anh Linh trồng trên 2.000 gốc mãng cầu, trong đó gần 1.000 cây đã cho thu hoạch.

Nhờ đầu tư chăm sóc, áp dụng kỹ thuật canh tác đúng chuẩn, vườn mãng cầu của anh Linh phát triển rất tốt. Hiện nay, mỗi năm, cây mãng cầu cho thu hoạch 2 vụ, vụ chính vào tháng 5 âm lịch và vụ thứ hai vào tháng Chạp.

Vụ mãng cầu gần nhất, anh Linh bán được hơn 3 tấn quả. Với giá bán 60.000-70.000 đồng/kg, anh thu gần 200 triệu đồng.

“Sau 6 năm trồng cây mãng cầu, tôi thấy khó khăn nhất là thời gian đầu, khi trồng thử nghiệm. Về sau, công việc khá nhẹ nhàng, thu nhập ổn. Nhờ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tôi rất ít tốn công chăm sóc cây. Buổi sáng, vợ chồng tôi đi buôn bán trái cây, chiều về chăm sóc vườn, đỡ vất vả hơn so với ngày trước khi còn trồng mì nhiều”, anh Linh chia sẻ.

Anh Linh cũng chia sẻ, từ khi cắt cành đến lúc thu hoạch mãng cầu là đúng 4 tháng. Nếu có diện tích 2-3ha, anh Linh sẽ mở rộng vùng trồng, sau đó quy hoạch từng khu rồi ép cho mãng cầu ra trái quanh năm, đảm bảo sản phẩm cung cấp cho thị trường liên tục.

Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ loại quả nhiều mắt - 3
Vợ và con anh Linh phụ giúp công việc ở vườn (Ảnh: Doãn Công).

Anh Linh cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Cây mãng cầu dễ bị bệnh rầy và rệp sáp hại lá, hại quả. Bệnh này rất khó trị nên phải chủ động phòng trước. Ngay từ khi cắt cành, tỉa lá, tôi đã bón phân, phun thuốc để phòng bệnh ngay”.

Ông Phan Văn Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi cho hay, anh Linh là người tiên phong trồng cây mãng cầu quy mô lớn trên đất gò đồi ở địa phương. Mô hình đang khẳng định hiệu quả kinh tế khá. Hiện nhiều hộ dân ở Mỹ Lợi đã học theo anh, cải tạo gần 5ha đất gò đồi chuyển sang trồng mãng cầu.

“Qua khảo sát, toàn bộ diện tích mãng cầu ở địa phương đều đang phát triển tốt. Đây là hướng đi mới, hiệu quả với diện tích đất đồi cằn cỗi, lâu nay trồng mì, trồng keo kém hiệu quả. Địa phương đang vận động, đồng thời sẽ hỗ trợ kinh phí để anh Linh đăng ký xây dựng sản phẩm Ocop (sản phẩm thế mạnh địa phương – PV) và VietGAP (sản phẩm theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – PV) của địa phương”, ông Phan Văn Pháp chia sẻ.

Tin Liên Quan