Tại làng Chăm Tuấn Tú, ông Từ Văn Hay là một trong những hộ có thu nhập khá giả nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây xanh liên kết với hợp tác xã. Ông Hay cho biết, trước đây gia đình trồng rau màu nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, qua tìm hiểu trên thị trường thấy cây măng tây xanh đang rất hút hàng lại phù hợp với địa hình đất cát ở địa phương nên ông quyết định mua giống măng tây Atticus F1 (Hà Lan) về trồng thử nghiệm.
Qua tìm hiểu kỹ thuật canh tác, ông Hay lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp cây măng tây phát triển tốt kể cả trong mùa khô hạn. Hiện tại, với 3 sào măng tây xanh, mỗi ngày ông Hay thu hoạch từ 8 – 12 kg/sào. Sản phẩm được hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Với sản lượng thu hoạch đều đặn, mỗi tháng sau khi trừ chi phí đầu tư ông Hay có lãi từ 15 – 20 triệu đồng từ bán măng tây xanh.
Măng tây xanh là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. |
Ông Hay chia sẻ, ban đầu, chi phí đầu tư giống, vật tư nông nghiệp cho 1 sào măng tây xanh khoảng trên dưới 40 triệu đồng, sau 8 tháng trồng bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên. Cây măng tây xanh có nhiều ưu điểm, tuy được xếp vào loại là cây rau nhưng măng tây xanh chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch liên tục trong vòng 7 – 8 năm nếu chăm sóc tốt. Hàng ngày chỉ cần tưới nước, kiểm tra sâu bệnh, buổi sáng hái măng, thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng, nghỉ 1 tháng để dưỡng cây.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, khí hậu khô nóng cùng chất đất pha cát đặc trưng của Ninh Thuận rất thích hợp cho cây măng tây xanh phát triển với năng suất bình quân đạt từ 8 – 12 tấn/ha/năm. Với giá thu mua tại chỗ khoảng 50.000 đồng/kg, người trồng đã có lãi từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các cây rau màu khác. Nhờ trồng măng tây xanh, không chỉ riêng gia đình ông Hay mà nhiều hộ gia đình đồng bào Chăm khác đã thoát nghèo, kinh tế ổn định và từng bước vươn lên khá giàu.
Để có được hiệu quả kinh tế trên, vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất rất quan trọng. Giám đốc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, ông Hùng Ky cho biết, khi mới thành lập hợp tác xã chỉ có 16 thành viên tham gia sản xuất măng tây, nhờ chủ trương phát triển đúng đắn với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm của từng xã viên. Đến nay, đã có 62 thành viên là đồng bào Chăm trong làng Tuấn Tú tham gia sản xuất cây măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 45 ha.
Bình quân mỗi ngày, hợp tác xã thu mua trên 500 kg măng tây của các xã viên, sản lượng măng tây thu hoạch không đủ cung cấp cho công ty liên kết thu mua. Để đẩy mạnh phát triển diện tích cây măng tây xanh, giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế, hợp tác xã hiện đang phối hợp công ty hỗ trợ 50% chi phí ứng trước mua giống, hỗ trợ thêm 30% vật tư nông nghiệp để khuyến khích bà con tham gia liên kết sản xuất trồng một loại giống măng tây xanh cho năng suất cao, bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định, ông Hùng Ky cho biết thêm.
Bà con đồng bào Chăm tham gia sản xuất măng tây xanh tại hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước). |
Để nâng cao giá trị sản phẩm măng tây xanh, hiện hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đang đẩy mạnh sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 25 ha. Đồng thời, có kế hoạch mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa các sản phẩm măng tây xanh vào hệ thống các siêu thị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho xã viên hợp tác xã.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, qua đánh giá, cây măng tây là đối tượng cây trồng có tính đột phá nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con đồng bào Chăm nói riêng và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung. Cây măng tây xanh là một trong những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Định hướng của tỉnh đến năm 2020 sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng những vùng chuyên canh cây măng tây xanh tập trung với diện tích 500 ha để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Măng tây xanh được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Để nâng cao năng suất, uy tín, chất lượng sản phẩm măng tây xanh, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ, triển khai nhân rộng các mô hình trồng măng tây xanh theo hướng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ măng tây, triển khai ứng dụng quét mã tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản xuất, kinh doanh sản phẩm măng tây xanh có nguồn gốc địa phương.
Ông Từ Văn Hay (xã An Hải, huyện Ninh Phước) thu lãi từ 15 – 20 triệu đồng/tháng với 3 sào măng tây (3.000m2).