Những ngày tháng 9/2020, PV báo GD&TĐ đã đến vùng đất mà trước đây người dân quen gọi là vùng đất “chết”. Bởi, trước kia việc sản xuất các loại cây đậu, bắp, dưa,… rất khó khăn chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, nên thu nhập không cao. Trở lại vùng đất “chết” những ngày này, nhiều người ngỡ ngàng, khi một vùng đất rộng lớn đã chuyển mình trù phú, xanh tươi, cho thu nhập hàng triệu đồng/ngày.
Qua lời giới thiệu, PV báo GD&TĐ được biết nữ “thủ lĩnh” Châu Thị Xéo (58 tuổi, thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) là nhân vật khá quan trọng ở vùng đất “chết” Bàu Rế. Đang thu hoạch măng tây xanh, bà Xéo cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ thí điểm trồng 1 sào (1.000 m2) măng tây xanh. Thật sự lúc đó tôi vừa làm, vừa run vì sợ cây sống không nổi ở vùng đất nắng gió này. Tuy nhiên, sau thời gian chăm sóc và đến thời kỳ thu hoạch, tôi xuất bán từ 8 – 10kg/ngày, bình quân thu nhập dao động 400.000 – 500.000 đồng/ngày.
Thấy được thành công, tôi tiếp tục nhân rộng thêm 4 sào (4.000 m2) nữa. Đến nay đã cho thu hoạch, bình quân 30kg/ngày, giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày.
“Lúc đầu tôi trồng măng tây, nhiều người trong khu vực này bảo tôi khùng hay sao mà trồng loại cây này. Trồng như vậy, cây sống sao được, hàng ngày tôi đi qua lại cũng bị mọi người lời ra tiếng vào. Tôi đã chứng minh cho mọi người thấy ý tưởng mang cây măng tây của tôi và đã thành hiện thực”, Bà Xéo nhớ lại.
Từ những thành công trên, bà Xéo đã vận động các hộ xung quanh khu vực mạnh dạn trồng măng tây xanh và thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Châu Rế, do bà làm Giám đốc. Mô hình này đã khẳng định được vị thế, với diện tích triển khai thực hiện khoảng 10 hécta, bình quân xuất bán năng suất từ 2 – 3,5 tạ/ngày. HTX ngoài bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho các thành viên, còn hỗ trợ cây giống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc cho người dân. Nhờ đó, mà nhiều người nơi đây đã làm giàu, khá giả có của ăn, của để, con cái được đến trường đầy đủ.
“Cây măng tây, hay còn gọi là rau vua đã mang lại kinh tế khá cao so với các loại cây trồng khác. Ngoài ra, cây măng tây có rất nhiều ưu điểm, cây dễ trồng, phát triển nhanh, giá bán ổn định, cây rất thích hợp với các loại đất cát và đất phù sa.
Đặc biệt, người trồng măng tây chỉ ngủ một đêm sáng hôm sau có thể thu hoạch, bình quân nếu chăm sóc bài bản năng suất đạt từ 8 – 10kg/ngày/sào. Để phát triển bền vững loại cây này, tôi mong các ngành chức năng cần hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật và đầu tư hệ thống điện, đường cho nơi đây”, bà Xéo chia sẻ.
Trong những năm qua, huyện Ninh Phước đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, thực hiện Quyết định 11 của UBND tỉnh Ninh Thuận, huyện Ninh Phước đã hỗ trợ nông dân nhân rộng hàng chục mô hình sản xuất có hiệu quả, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng.
Điển hình trong trồng trọt là mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với diện tích 1.036 hécta ở các xã, thị trấn, năng suất bình quân đạt 7 tấn/hécta, mô hình trồng bắp lai, với diện tích 648 hécta ở xã Phước Vinh và Phước Sơn, năng suất đạt 8 tạ/sào, mô hình trồng rau an toàn 46,5 hécta ở xã Phước Hải và An Hải, mô hình trồng nho, táo an toàn với diện tích 4,7 hécta, mô hình cải tạo đàn dê ở xã Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Thuận và Phước Hữu, mô hình măng tây xanh với diện tích 2,3 hécta tại xã Phước Hải và An Hải….
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 65 của UBND tỉnh, huyện cũng đã hỗ trợ triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, ưu tiên nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, với diện tích 31,8 hécta cây măng tây xanh, nho, táo ở các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận và Phước Vinh, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao như: Nho, táo và cây trồng cạn, với diện tích 34,4 hécta.
Triển khai hỗ trợ giống, vật tư cho cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 842 hécta, măng tây xanh 44 hécta, hỗ trợ kinh phí tư vấn xây dựng liên kết và hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết cho 17 HTX.