Nhiều nhà vườn ở Lai Vung, Đồng Tháp đã có thu nhập tăng thêm hàng trăm triệu đồng bởi nhờ mở cửa đón khách tham quan vườn quýt hoặc trồng thêm quýt trong chậu bán dịp Tết.
Chăm lo vụ quýt Tết
Quýt hồng là loại trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp bởi ưu thế thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Ngoài ra, quýt hồng có màu sắc đẹp nên rất được nhiều gia đình ưa chuộng để chưng, cúng trong dịp Tết.
Tại huyện Lai Vung, quýt hồng được trồng tập trung tại các xã Long Hậu, Tân Thành, Vĩnh Thới và Tân Phước. Hiện tại nông dân đang dồn sức chăm sóc để thu hoạch và tiêu thụ quýt vào dịp tết 2023.
Ông Lưu Văn Tín, có hơn 6 công trồng quýt hồng (hơn 6.000m2) ở xã Long Hậu cho biết: “Hiện nay, quýt hồng đang trong giai đoạn lên màu, khoảng 15-20 ngày nữa là nhìn trái quýt đẹp mắt. Dù vườn quýt bước qua giai đoạn rụng trái, nhưng thời gian này cần chăm sóc cây kỹ, tưới nước, bón phân cho đúng cách để trái quýt bóng đẹp, mới bán được giá cao”.
Theo ông Tín, năm nay mưa hơi nhiều nhưng nông dân chủ động ứng phó từ đầu nên cây trái không bị ảnh hưởng; dự báo khu vườn của gia đình đạt khoảng 20 tấn quýt, chỉ cần đến dịp tết có giá tương đương năm trước là 40.000 đồng/kg thì sẽ trúng đậm…
Còn ông Đặng Thanh Lâm (cùng ngụ xã Long Hậu), cho hay, “Hơn 6 công quýt của gia đình tôi dự kiến thu hoạch khoảng 18 tấn. Cả nhà đang chăm sóc để trái to, bóng vàng đẹp… cung ứng cho thị trường ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL vào đúng tết 2023”, ông Lâm nói.
Theo kỹ sư Huỳnh Văn Tồn – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, năm nay toàn huyện có khoảng 200ha quýt hồng đặc sản, với sản lượng dự kiến 2.500 tấn trái.
Qua khảo sát gần đây, hầu hết bà con canh tác khá tốt, thời tiết chưa ghi nhận bất thường và trái quýt đang phát triển, hy vọng được mùa trong dịp Tết tới. Vấn đề mà bà con quan tâm là kỳ vọng quýt hồng được giá khoảng 40.000 đồng/kg trở lên thì sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân bắt quýt hồng “gánh nhiều vai”
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Lai Vung sáng tạo, đưa cây quýt vào chậu để bán cho người dân chưng Tết. Hiện trên địa bàn có trên 10 hộ trồng quýt hồng trong chậu bán Tết.
Nông dân Hà Thanh Hồng, cho biết, khoảng 3-4 năm về trước tôi thực hiện mô hình trồng cây quýt hồng vào chậu, để bán cho người dân chưng Tết. Khi chậu quýt hồng ra chợ, không ngờ, nhiều người dân ưa thích, dù giá bán từ 1,5 -3 triệu đồng/cây; thậm chí những cây đẹp có giá đến 7-8 triệu đồng.
Theo ông Hồng, năm nay ông trồng 130 chậu, bán với giá từ 1-7 triệu đồng/chậu. Nếu trừ hết chi phí, ông thu hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc trồng quýt hồng trong chậu đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nhất là khâu xử lý trái, tạo hình cây quýt trưởng thành.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, những năm gần đây, ngoài việc một số nhà vườn chăm vườn quýt để bán vụ Tết, người dân còn biết kết hợp làm du lịch bằng cách dọn vườn sạch sẽ, làm thêm tiểu cảnh và mở cửa cho khách vào tham quan.
Ông Hai Kiệt – một điểm tham quan vườn quýt hồng trên địa bàn xã Long Hậu, cho biết, nhà ông có 6.000m2 trồng quýt hồng. Những năm gần đây ông đầu tư thêm cảnh quan, khu vực phục vụ du khách ăn uống, sau đó, mở cửa bán vé cho khách vào tham quan khi quýt bắt đầu lên màu vàng.
Khi khách vào tham quan vườn quýt, du khách vô tư chụp hình và có thể tự tay bẻ quýt ăn, sau đó tính tiền. Ngoài ra, còn được thưởng thức một số loại nước uống, thức ăn được chế biến từ quýt.
Theo ông Hai Kiệt, những năm trước dịch Covid-19, tiền bán vé cho khách tham quan vườn quýt, sau khi trừ chi phí gia đình ông bỏ túi từ 80-100 triệu đồng/năm. Trong mùa Tết năm nay, ông hy vọng gia đình kiếm khá hơn, vì địa phương chuẩn bị tổ chức Lễ hội quýt hồng vào đầu tháng 01/2023.
Lãnh đạo phòng Văn hóa huyện Lai Vung cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có 8 điểm tham quan vườn quýt hồng. Khi bà con đăng ký điểm tham quan với huyện, bà con được bán vé cho khách tham quan vào cổng nhưng giá vé không vượt 50.000 đồng/người. Từ nguồn thu này, giúp bà con có thêm thu nhập đáng kể ngoài việc bán vụ quýt Tết như truyền thống.