Vườn cây khủng nói trên là của gia đình ông Đỗ Văn Việt, ở ấp Sắc Xi, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Được biết, ông Việt vốn là công nhân lâm trường, sau khi nghỉ hưu năm 2001, ông về làm vườn vui thú tuổi già nhưng càng làm càng ham. Thời gian đầu khi chưa có nhiều kinh nghiệm, ông không ngại tìm tòi tài liệu, sách báo hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt. Ngoài ra, khi địa phương có chương trình khuyến nông hay tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nào cho nông dân ông đều tích cực tham gia.
Ông Đỗ Văn Việt trao đổi về biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên điều với cán bộ Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân.
Theo ông Việt, lúc trước vườn của gia đình ông trồng chủ yếu là cao su, nhưng sau này hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, biết được đất đai và khí hậu ở nơi này cũng rất thích hợp trồng cây ăn trái nên ông quyết định chặt bỏ bớt cao su, thay bằng nhiều loại cây trồng khác nhau để tránh tình trạng giá cả nông sản bấp bênh, theo phương châm “mất cái này còn cái kia”.
Tuy tuổi đã cao, nhưng hàng ngày ông Việt vẫn miệt mài với công việc chăm sóc vườn cây của mình. Ông luôn trực tiếp kiểm tra vườn tược, từ tình hình sâu bệnh, tính toán đầu ra – đầu vào nguyên vật liệu, sản phẩm cho đến các công việc lao động tay chân như cắt tỉa cành, làm cỏ, bón phân phun thuốc,…ông đều tự làm hoặc hướng dẫn cho các công nhân cùng làm.
Hàng ngày, ông Việt vẫn tự mình tỉ mỉ kiểm tra cây cối trong vườn để kịp thời xử lý khi có sâu bệnh xâm hại.
Cầm xấp tài liệu về kỹ thuật chăm sóc cây bơ mới “tải được trên mạng”, ông Việt bộc bạch: “Hiện nay sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng, muốn đạt năng suất cao, sản phẩm chất lượng, an toàn thì bắt buộc phải áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới. Ví dụ như trước đây trồng các loại giống cũ, khó chăm sóc, dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp, nay muốn cải thiện phải thay bằng các loại giống mới tốt hơn. Nhưng cái gì mới thì tất nhiên mình sẽ thiếu kinh nghiệm nên bắt buộc phải học mới làm tốt được”.
Ông Việt tự mình lo từ đầu vào nguyên vật liệu cho đến đầu ra cho các loại nông sản, nhiều khi làm luôn cả công việc thu hoạch.
Ông Việt cho biết thêm, hiện nay ngoài diện tích trồng các loại cây ăn trái đang cho thu hoạch như ổi, chôm chôm, sầu riêng, quýt đường, ông vừa chặt bỏ gần 10ha điều già cỗi, năng suất thấp, trồng lại toàn bộ bằng giống mới năng suất cao. Ngoài ra, ông cũng đang trồng thử nghiệm thêm khoảng 2ha cây bơ giống Booth năng suất cao của Mỹ, năm vừa rồi đã bắt đầu cho ra trái và được ông đánh giá chất lượng tốt.
Khu vực trồng bơ Booth mà theo ông Việt là có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ năng suất và chất lượng quả tốt, lại dễ trồng do phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương.
Cũng theo ông Việt, hiện nay theo xu hướng phát triển nông nghiệp an toàn, tránh các hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, làm hư hại đất nên trong canh tác ông chủ yếu sử dụng các chế phẩm vi sinh, sinh học có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế sử dụng các chất hóa học để đảm bảo chất lượng nông sản.
Đánh giá về mô hình sản xuất của gia đình ông Việt, bà Bùi Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước, huyện Đồng Phú cho biết: “Hộ ông Đỗ Văn Việt là một trong những hội viên nông dân sản xuất giỏi. Ngoài ra, ông Việt còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động, các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội tổ chức. Mô hình sản xuất của ông cũng đã góp phần giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Ông còn là một trong những thành viên đang tích cực tham gia dự án ứng dụng chế phẩm vi sinh tái tạo vườn điều do Hội nông dân tỉnh triển khai tại địa phương.”