Hết Tết, nhưng người dân ở xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn nhộn nhịp xe ra vào chở những chậu quất “xác” từ khắp nơi đổ về. Đặc biệt, từ sau mồng 10 tháng Giêng, các chủ vườn tập trung thu mua quất để kịp chăm sóc theo mùa vụ.
Nông dân trồng quất ở Hội An thường mua cây quất giống được giâm dưới đất từ 1-3 năm để trồng vào chậu, chăm sóc đến lúc đơm hoa, kết trái. Nhiều năm gần đây, vì quỹ đất bị thu hẹp nên nguồn quất giống khan hiếm và giá cao, các nhà vườn chọn cách tận dụng nguồn quất cảnh được người dân bỏ đi sau khi hết Tết.
Những vườn trồng nhiều sẽ đặt mua xác quất từ các xe thu mua quất ở Đà Nẵng; Điện Bàn, Tam Kỳ (Quảng Nam). Vườn nào trồng ít hơn thì chủ vườn sẽ tự đi thu gom quanh khu vực. Việc thu gom và mua bán quất chỉ diễn ra rầm rộ trong tháng Giêng, để kịp mang về cho các vườn chăm sóc, cắt tỉa giúp cây lấy lại sức, phát triển tươi tốt theo đúng mùa vụ.
Bận rộn cắt tỉa quất từ sáng sớm, anh Nguyễn Kim Chung (38 tuổi) cho biết: “Năm nào tôi cũng mua quất cảnh từ những xe tải thu gom ở Đà Nẵng về để tái sử dụng. Giá mua xác quất dao động từ 150.000-500.000 đồng/cây, tuỳ theo cây lớn hay nhỏ, dáng đẹp hay xấu mà giá cả khác nhau.
Hiện tại tôi đã mua lại hơn 100 cây, tranh thủ lúc trời có nắng ráo để cắt tỉa cành, gọt bộ rễ, cắt ngọn, cưa thân, thay đất mới…. Dự định năm nay tôi sẽ trồng từ 200-300 cây quất để phục vụ thị trường Tết”.
Những cây quất được nông dân mua lại sau Tết phải là những cây còn tươi tốt, có bộ rễ khoẻ. Sau thời gian người dân chưng Tết thì quất sẽ bị suy, nhiều cây đã già nên chất lượng ra trái cũng thấp hơn, tốn nhiều công chăm sóc thì cây mới phục hồi sức.
Quất sau khi đem về vườn sẽ được chăm sóc tỉ mỉ để cây thích nghi với môi trường ngoài trời, tưới nước thường xuyên. Sau đó mới bắt đầu bấm cành, cắt ngọn, rửa mốc meo bám trên thân cây, bón phân. Đối với những cây quất già sẽ được cắt gọn bộ rễ, cưa bỏ phần lớn thân, cành để cây dưỡng sức, ra lộc đúng vào vụ Tết.
Để có đủ số lượng 500 cây quất cảnh bán Tết, anh Nguyễn Kim Thành (43 tuổi) đã đặt mua 200 “xác” quất được xe tải thu gom về từ Đà Nẵng và chăm bón lại. Vì đã có kinh nghiệm trồng quất nhiều năm nên anh không lo rủi ro sâu bệnh, tập trung chăm bón để cây cho năng suất đạt yêu cầu.
Theo anh Thành, chi phí mua cây quất giống so với mua cây quất “xác” về tái sử dụng cũng không chênh lệch nhau nhiều. Đồng thời, cây quất xác cứng cáp thường có khả năng kháng bệnh tốt hơn nên giảm thiểu được một số loại sâu bệnh hại. Nếu người trồng chăm sóc quất tỉ mỉ, có kinh nghiệm và gặp thời tiết thuận lợi thì sẽ có lợi nhuận cao hơn.
Thoạt nhìn công việc chăm quất sau Tết đơn giản, nhưng người làm mất nhiều thời gian, công sức và chi phí để sửa sang lại. Có rất nhiều công đoạn được người trồng quất thực hiện như: tỉa cành, lặt trái, cưa thân, gọt rễ, rửa cây, thay đất, bón phân, vô chậu mới, tưới nước.
Xoay vòng với nhiều công đoạn, nên những vườn lớn sẽ thuê thêm nhân công để chăm sóc quất cho kịp mùa vụ.
Bà Nghị Thị Ngân (55 tuổi) cho biết: “Từ mùng 8 Tết, chủ vườn đã bắt đầu thuê người chăm sóc quất sau Tết. Tôi chỉ làm được những công việc nhẹ như làm cỏ, tỉa cành, lặt trái nên tiền công được 200.000 đồng/ngày.
Với những thanh niên làm việc cưa cành, bứng chậu thì nhọc công hơn nên được trả 350.000 đồng/ngày. Công việc chăm quất “xác” chỉ bận rộn trong tháng Giêng, qua tháng 2 là nhà vườn đã ổn định số lượng cây chuẩn bị cho vụ mới”.
Vụ quất Tết Nguyên đán 2023 vừa qua đã mang lại cho các nhà vườn ở Hội An nguồn thu nhập khá. Vì vậy, trong tâm thế đón một mùa vụ mới, người trồng quất hi vọng mưa thuận gió hoà, quất cảnh được mùa được giá, đời sống ấm no.