Một nông dân Quảng Bình sẽ cắt bán 2.000 quả mít ruột đỏ, trái nào cũng to bự, thu nửa tỷ

Nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc tốt, đến nay, vườn cây mít ruột đỏ của gia đình ông Diệm, thị trấn Nông trường Việt Trung, (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho lứa quả bói đầu tiên. Dự kiến năm nay, gia đình thu hoạch khoảng 2.000 quả, mỗi quả mít nặng khoảng 10-15kg, giá mít ruột đỏ 35.000 đồng/kg, ông Diệm có thu nhập hơn 500 triệu đồng.

 Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, trong đó ưu tiên chuyển đổi đất vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã giao các đơn vị trực thuộc hỗ trợ mô hình trồng mít ruột đỏ cho bà con nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu để trồng mít ruột đỏ với diện tích 15ha cho các hộ dân ở các huyện: Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Ông Nguyễn Văn Diệm, nông dân trồng mít ruột đỏ ở tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)chăm sóc cây mít ruột đỏ. Giá mít ruột đỏ đang duy trì ở mức có lời cho nông dân.

Là một trong những hộ dân được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ trồng mít ruột đỏ, ông Nguyễn Văn Diệm (tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ, năm 2021, gia đình ông đã chuyển đổi 3ha trồng cây cao su kém hiệu quả sang trồng 1.200 cây mít ruột đỏ.

Nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc tốt, đến nay, vườn cây mít ruột đỏ của gia đình ông Diệm đã cho lứa quả bói đầu tiên. 

Dự kiến năm nay, gia đình Diệm thu hoạch khoảng 2.000 quả mít ruột đỏ, trung bình mỗi quả nặng khoảng 10-15kg với giá thành 35.000 đồng/kg như hiện nay, ông Diệm có thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Được biết, để từng bước tạo thương hiệu mít ruột đỏ Quảng Bình và xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương, nâng cao giá trị cho sản phẩm, năm 2023, Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Bình sẽ hướng dẫn, hỗ trợ gia đình ông Diệm chăm sóc thâm canh mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ; đồng thời, dán tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR trên sản phẩm.

Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Bình-Trần Thanh Hải cho biết, giống mít ruột đỏ dễ trồng, kháng bệnh tốt, năng suất, chất lượng tốt, giá bán cao được thị trường ưa chuộng. 

Vì thế, giống mít ruột đỏ giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất vùng gò đồi, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, là tiền đề để các địa phương tiếp tục thực hiện việc phát triển hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tin Liên Quan