Ông Hùng, nông dân trồng sầu riêng xã Ia Ka, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai cho biết: “Năm nay, 250 cây sầu riêng của tôi cho thu khoảng hơn 25 tấn quả. Thương lái đến tận vườn chốt giá sầu riêng 78,2 ngàn đồng/kg. Vụ sầu riêng này, tôi thu về hơn 2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 1,7 tỷ đồng…”.
Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) hiện có hơn 500 ha diện tích sầu riêng. Để phát triển bền vững và hướng đến xuất khẩu sản phẩm sầu riêng, huyện hỗ trợ người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Năm 2017, ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka) trồng xen hơn 100 cây sầu riêng trong vườn cà phê. Thấy cây sầu riêng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên ông tiếp tục xen canh thêm 100-200 cây/năm.
Khi cây sầu riêng khép tán, ông chặt bỏ cà phê. Hiện ông có hơn 900 cây sầu riêng trồng thuần trên diện tích 5 ha, trong đó, 250 cây đã cho thu hoạch.
Ông Hùng cho biết: “Năm nay, 250 cây sầu riêng của gia đình cho thu hoạch khoảng hơn 25 tấn quả. Trước khi thu hoạch, thương lái đến tận vườn chốt giá 78,2 ngàn đồng/kg. Như vậy, vụ này, tôi thu về hơn 2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 1,7 tỷ đồng. Tôi cũng tham gia Hội Sầu riêng huyện Chư Păh để cùng trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc và liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Tương tự, vụ này, 80 cây sầu riêng giống Dona trồng thuần trên diện tích 0,6 ha của gia đình ông Lê Quang Giang (thôn 2, xã Ia Ka) cho thu hoạch khoảng 14 tấn, bán sầu riêng xô với giá 62 ngàn đồng/kg, thu về hơn 800 triệu đồng.
Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông Giang lãi hơn 700 triệu đồng. Ông cho biết: Sầu riêng được trồng theo hướng hữu cơ nên phát triển tốt, năng suất ổn định.
Giá sầu riêng năm nay cao hơn năm trước 10-20 ngàn đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, để sầu riêng phát triển bền vững, người dân phải đầu tư sản xuất đúng quy trình, theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lê Quang Giang (thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai) trồng 80 cây sầu riêng cho thu hoạch khoảng 14 tấn, thu nhập hơn 700 triệu đồng. Ông Giang cho biết, giá sầu riêng năm 2023 tiếp tục tăng cao hơn năm 2022 nên nông dân trồng thứ “cây tiền tỷ” này có lời hơn. Ảnh: Lê Nam
Để phát triển sầu riêng bền vững, huyện Chư Păh đã thành lập các HTX, chi/tổ hội trồng và chăm sóc sầu riêng như: Hội Sầu riêng huyện với 21 thành viên; Tổ hợp tác sầu riêng xã Nghĩa Hưng với 41 thành viên; Nông hội sầu riêng xã Ia Nhin với 27 thành viên; HTX Dịch vụ nông nghiệp sầu riêng Hòa Phú (xã Hòa Phú); 2 chi hội nông dân nghề nghiệp trồng sầu riêng và chăm sóc sầu riêng tại xã Ia Nhin và Ia Khươl; 15 tổ hội trồng và chăm sóc cây sầu riêng.
Ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ tịch Hội Sầu riêng huyện-cho biết: Hội tăng cường kết nối các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh sầu riêng xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng phổ biến, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất tập trung để xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức tham quan, học tập tại các hội chợ, các mô hình nông hội nhằm giao lưu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sầu riêng trong và ngoài tỉnh…
Ngoài ra, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa và HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông) cũng đang liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng và xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa-thông tin: Ngành nghề chính của HTX là thu mua nông sản và cung cấp giống cây trồng cho người dân sản xuất.
Để tránh tình trạng “được mùa mất giá” và phát triển nông nghiệp bền vững phải có sự liên kết trong sản xuất. Việc liên kết góp phần sản xuất cùng một quy trình, cho ra sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng để hướng đến xuất khẩu.
“Hiện HTX đang liên kết sản xuất và thu mua với một số hộ dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã Nghĩa Hòa. Đồng thời, HTX đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, chúng tôi đã liên kết được với một công ty ở Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm cho người trồng sầu riêng trên địa bàn huyện”-ông Minh cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai) thu lãi khoảng 1,7 tỷ đồng từ 250 cây sầu riêng. Ảnh: L.N
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai-cho biết: Thời gian qua, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện phát triển nhanh, được trồng chủ yếu tại các xã: Nghĩa Hòa, Ia Mơ Nông, Ia Ka, Ia Nhin, Ia Khươl, Hòa Phú và thị trấn Ia Ly.
Đến nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt 15-20 tấn/ha và được khách hàng đánh giá chất lượng tốt. Đến nay, trên địa bàn đã có 17 ha sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ để xin cấp 7 mã số vùng trồng sầu riêng.
“Thời gian tới, bằng nguồn vốn khoa học công nghệ, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế-Hạ tầng làm thủ tục để xây dựng nhãn hiệu sầu riêng Chư Păh.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện các mô hình hỗ trợ giống sầu riêng, kỹ thuật cho người dân trồng xen trong vườn cà phê nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.
Đồng thời, tuyên truyền, định hướng các HTX, doanh nghiệp phối hợp làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận VietGAP, mã số vùng trồng để sản phẩm đủ các điều kiện xuất khẩu”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.