Nhiều năm nay, hộ bà Đoàn Thị Hà (xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) nhờ áp dụng kỹ thuật trồng na thu hoạch 2 vụ/năm, luôn bán được na với giá cao. Trung bình, cứ 1 ha trồng cây na trái vụ giúp gia đình bà Hà thu gần 300 triệu đồng/ha.
Kỹ thuật “ép” cây na ra quả trái vụ
Năm 2014, gia đình bà Đoàn Thị Hà (xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) bắt đầu chuyển đổi diện tích từ trồng cây mía sang trồng cây na. Giống na mà bà Hà trồng là na dai với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu…
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, bà Đoàn Thị Hà chia sẻ: “Hiện tại gia đình tôi đang trồng gần 1 ha cây na, mùa chính vụ của quả na thường rơi vào tháng 7, tháng 8 âm lịch, thời điểm đó nhiều hộ thu hoạch dẫn đến giá na bán không cao. Vì vậy, gia đình tôi đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ (thu hoạch 2 vụ/năm) để nâng cao thu nhập”.
Theo bà Hà, để cây na ra quả trái vụ trước tiên cắt tỉa cành nhằm giúp cây na trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Tiếp theo khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả cắt loại bỏ quả lép, méo mó khoảng 2 đến 3 đợt/vụ.
Bà Đoàn Thị Hà “bộc bach”, những ngày nắng ráo là thời điểm phù hợp để thụ phấn cho na. Đối với những bông hoa cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt để lấy phấn hoa.
Khi lượng phấn hoa đã đủ, dùng chiếc ống nhựa đẩy nhẹ nhàng đưa phấn vào bông hoa cần thụ phấn. Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo.
Nhờ kỹ thuật này vườn na của hộ bà Đoàn Thị Hà bắt đầu cho thu hoạch trái vụ. Trung bình na trái vụ giá bán 35.000-40.000 đồng/kg cắt tại vườn, cao gần gấp đôi so với chính vụ. Mặc dù, chưa thu hoạch na hết vụ, nhưng với kinh nghiệm gần 10 năm trồng na, bà Hà dự năm nay gia đình thu gần 300 triệu đồng/ha.
Bắt vùng đất cằn cỗi nhả vàng
Theo người dân xã Phú Long (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), những diện tích phủ kín cây na như hôm nay, trước kia địa hình nhiều thung lũng, núi đá, vùng rừng núi rậm rạp nên người dân chủ yếu trồng cây mía, ngô, sắn…hiệu quả kinh tế rất thấp.
Khoảng 10 năm trước, người dân xã Phú Long bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây na dai. Từ những diện tích “khiêm tốn” ban đầu, đến nay toàn xã Phú Long có hơn 100 hộ trồng na, với tổng diện tích khoảng 200 ha.
Cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng na không cần kỹ thuật phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều công chăm sóc.
Người dân ở xã Phú Long cho biết, so với các cây trồng truyền thống, cây na trái vụ đang có ưu điểm hơn hẳn như: Dễ chăm sóc, một năm cho thu hoạch 2 lần, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ và đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.
Khi chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc na trái vụ, quả na thường có nhiều sâu bệnh, mẫu mã xấu, bán không được hàng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và sự tuân thủ quy trình sản xuất tuyệt đối nên chất lượng quả na được đảm bảo hơn, giá bán được ổn định hơn.
“Xã Phú Long có khoảng 200 ha diện tích đất đá lộ đầu, đất này cằn cỗi, bên dưới cào lên chủ yếu là đá mạt,…vì thế người dân chủ yếu trồng cây ngô, khoai nên năng suất thấp.
Cây na dai “bén duyên” với vùng đá Phú Long khoảng 10 năm gần đây, cây trồng này đang đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện tại đã thành lập 1 hợp tác xã na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long, và sản phẩm quả na Phú Long đã được công nhận Ocop 4 sao”, ông Bùi Văn Thể-Trưởng Phòng NNPTNT huyện Nho Quan cho biết.