Gần đây, nhiều nông dân ở tỉnh Hậu Giang đang chuyển sang trồng mít ruột đỏ bởi loại cây này mang lại nguồn lợi kinh tế cao, có người thu nhập lên đến hàng tỷ.
Đặc điểm mít ruột đỏ
Mít ruột đỏ là loại mít mà khi chín, phần múi bên trong sẽ có màu đỏ của gạch nung, thịt múi vừa dai vừa giòn, vị ngọt xen lẫn vị chua nhẹ ăn rất bắt miệng. Mít ruột đỏ được du nhập vào nước ta khoảng vài năm trở lại đây nhờ đặc tính dễ trồng mà năng suất lại cao.
Ông Nguyễn Minh Trắng, một nông dân chính hiệu xứ Hậu Giang và cũng là người đầu tiên nhân giống và trồng thành công loại mít ruột đỏ chia sẻ rằng: “Giống mít ruột đỏ có trái khá sớm hơn so với nhiều loại mít khác khi chỉ 18-24 tháng là đã có trái, với trọng lượng trung bình từ 7 – 16kg/trái. Khi chín, bổ ra sẽ thấy phần ruột có màu đỏ như gạch nung trông rất hấp dẫn, phần cơm dày, hương vị ngọt giòn, thơm dịu pha lẫn vị chua nhẹ khi nếm, nhiều người còn ví vị của nó giống vani.”
Ngoài ra, mít ruột đỏ cũng dễ bảo quản hơn, từ lúc hái đến đến lúc mít chín có thể kéo dài từ 10 – 15 ngày, tạo điều kiện cho việc đóng gói, vận chuyển đi xa, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài thuận lợi.
Mít ruột đỏ giúp nông dân đổi đời
Thời gian gần đây, mít ruột đỏ Indo tại một số tỉnh ở ĐBSCL tăng giá chóng mặt, thương lái đi lùng mua từng quả. Nếu như trước đây, loại mít này thu quả chỉ bán được giá 30.000 – 35.000 đồng/kg thì nay người dân bán tại vườn cũng được giá 110.000 đồng/kg với loại 1, còn mít loại 2 cũng bán được 100.000 đồng/kg.
Anh Hứa Trung Cẩm (Đồng Nai) trồng mít được 5 năm chia sẻ: “Sở dĩ giá mít ruột đỏ Indo cao như vậy là do mùi vị ngon hơn các loại mít khác và đang được thị trường nước ngoài chấp nhận. Số lượng mít ruột đỏ Indo trồng chưa nhiều nên cung không đáp ứng được cầu, giá bán vì thế mà tăng cao”.
Theo anh tìm hiểu, mít ruột đỏ có 3 loại: Mít ruột đỏ Indo xơ vàng, mít ruột đỏ xơ đỏ là của Malaysia và ruột đỏ xơ trắng là của Cần Thơ (Việt Nam). Hiện tại, giá mít ruột đỏ đều tăng, trong đó mít ruột đỏ Indo xơ vàng luôn có giá cao nhất vì ăn ngon nhất.
Mít đỏ Hậu Giang |
Những quả có trọng lượng từ 8 kg trở lên, tương đối tròn trịa, không bị sâu, ko bị nấm là thuộc loại 1. Loại 2 sẽ là những quả mít có trọng lượng từ 6 đến dưới 8kg. Còn loại dưới 6kg hoặc sâu, nhỏ, móp méo sẽ xếp vào hàng bán chợ. Những quả thuộc hàng chợ sẽ được thương lái thu mua từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Điều đáng chú ý, mọi năm, giá bán mít ruột đỏ Indo chỉ khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg mà năm nay giá tăng đột biến, khiến người trồng phấn khởi. Riêng vườn nhà anh Cẩm hiện tại có khoảng 200 cây mít ruột đỏ Indo đang trong thời điểm vào mùa thu hoạch. Anh mới thu được khoảng 1 tấn quả để bán, còn khoảng 5 tấn quả tại vườn chờ thu hoạch. Tương lai anh cho biết sẽ mở rộng, trồng thêm.
Được biết, mít ruột đỏ được trồng ở ĐBSCL không nhiều và không trồng tập trung như cây mít Thái. Diện tích loại mít ruột đỏ đang tăng dần trong những năm gần đây do đây là loại cây mới lạ, có vựa và thương lái thu mua. Hiện nay, mít ruột đỏ đã được một số vựa lớn thu mua xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân không nên trồng đại trà, mở rộng diện tích quá nhanh vì sợ “cung vượt quá cầu” thì thời gian tới khó mà tìm được đầu ra cho nông sản.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc mít ruột đỏ
Thời vụ
Giống mít ruột đỏ có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thích hợp trồng vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 (đầu mùa mưa) vì vào thời điểm này lượng mưa dồi dào nên cây sinh trưởng tốt hơn.
Chọn giống
Không nên chọn bầu cây được nhân giống bằng hạt vì bị lai giống và cây lâu cho trái. Hãy chọn cây ghép có đường kính gốc ghép 1-1,5cm, cành ghép cao 20 – 30cm, khoẻ mạnh, sạch bệnh nhưng phải là dòng F1 thuần chủng thì mới đảm bảo về năng suất và chất lượng tốt nhất.
Chọn giống mít ruột đỏ |
Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng thích hợp nhất là loại đất thịt cát pha có thành phần cơ giới nhẹ. Đất cần được làm luống và vun xới trước khi trồng.
Kỹ thuật trồng
Kỹ thuật trồng cây mít ruột đỏ bằng nhiều cách như gieo hạt, trồng bầu cây hay chiết và giâm cành. Tuy nhiên phương pháp trồng bằng bầu cây được nhiều người lựa chọn.
Trước khi trồng phải đào hố, bón lót. Khi đào hố thì đào hố rộng 0,8 – 1m; bón lót 25 – 35kg phân chuồng hoai mục; 300 – 500g lân và 1kg vôi bột. Đất tốt thì đào hố rộng 0,7 – 0,8m; sâu 0,6 – 0,7m; bón lót 20 – 25kg phân chuồng hoai mục; 200 – 300g lân và 0,5kg vôi bột. Để ý, phải trộn đều phân các loại cùng đất lấp đầy miệng hố trước khi trồng 7 ngày.
Dùng cuốc moi đất giữa hố, bóc vỏ bầu, đặt cây thẳng đứng bằng mặt hố, lấp đất đầy và nén chặt xung quanh. Chú ý không được làm vỡ bầu làm đứt rễ sẽ khiến cây héo ngay vài ngày khi trồng. Để giúp cây đứng vững cần cắm hai cọc chéo buộc giữa cây rồi dùng rơm rạ, cỏ khô phủ gốc và tưới đẫm nước.
Kỹ thuật chăm sóc
Cách chăm sóc mít ruột đỏ không quá cầu kỳ và mất thời gian do đây là cây lâu năm. Nhưng những tháng đầu tiên khi trồng cần đảm bảo đủ nước tưới, làm sạch cỏ.
Việc bón phân cực kỳ quan trọng sẽ giúp cây đủ dinh dưỡng nuôi cây và quả lâu dài. Do đó, khi trồng mít ruột đỏ được khoảng 1 năm cần bón phân 1 lần lần bằng nước phân chuồng hoai. Khi cây được khoảng 2 – 3 năm tuổi tiếp tục bón 30 – 50 kg phân chuồng hoai; 0,5 – 1kg lân; 0 , 3 – 0 5kg kali. Cho tới khi cây từ 4 năm tuổi trở lên bón tăng lượng phân.
Kỹ thuật tỉa cành và phòng bệnh
Trồng cây mít ruột đỏ cũng cần phải tỉa các cành tăm, cành sâu bệnh giúp cây thông thoáng. Ngoài ra việc tỉa bới quả xấu, quả sâu bệnh, quả nhỏ và cả những quả bình thường cho mật độ quả phù hợp với từng cây.
Trồng mít ruột đỏ ngoài các loại rệp sáp, rầy mền, ruồi đục quả, sâu đục thân, ở mít có sâu đục quả, ấu trùng đục lỗ tiếp giáp giữa quả với nhau. Để phòng trừ sâu bệnh cần phun các loại thuốc như trêbon, shespa 25EC…
Thu hoạch
Thời gian từ lúc mít ruột đỏ ra hoa đến lúc cho thu hoạch khoảng 5 tháng. Căn cứ vào màu sắc và hình dạng của quả để quyết định thời điểm thu hái. Mít ruột đỏ khi chín vỏ sẽ chuyển sang màu hơi vàng sáng. Các gai mít sẽ nở căng lên vỗ có tiếng kêu bồm bộp. Thu hái mít vào thời tiết không mưa và bảo quản nơi thoáng mát sẽ giúp mít để được lâu.