Cần mẫn hơn 5 năm ươm trồng, chăm bón cho vườn cam canh tác theo hướng hữu cơ, lão nông 70 tuổi ở tỉnh Đắk Nông đã bắt đầu thu những quả ngọt.
Mất nhiều năm trời , lão nông,Vũ Văn Lợi (70 tuổi, ngụ xã Đắk Ha, H.Đắk Glong tỉnh Đắk Nông) mới gầy dựng được vườn cam trĩu quả trên khu vườn rộng 4.000 m2.
Trước đây, ông Lợi làm nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian trồng cà phê, hồ tiêu trên mảnh đất rẫy, ông cứ thao thức mãi bởi… giống cam được trồng ở tỉnh Hòa Bình mà ông từng thưởng thức từ hàng chục năm trước.
Sau đó, ông lặn lội ra Hòa Bình săn tìm giống, mang vào Lâm Đồng trồng nhưng thất bại.
Năm 2017, ông Lợi rời Lâm Đồng, chuyển đến xã Đắk Ha (tỉnh Đắk Nông) sinh sống. Trên khu đất rẫy 2,5 ha đã trồng kín cà phê, hồ tiêu, ông cải tạo 4.000 m2 để trồng 400 cây cam. Ông Lợi cho hay đây là giống cam Cao Phong, khá nổi tiếng tại tỉnh Hòa Bình.
Vừa làm vừa học, ông Lợi cho biết ông đeo đuổi mô hình này vì mê trái cây sạch.”Tui muốn vườn nhà phải có trái cây ngon, sạch, để bản thân, gia đình, con cháu và cả người tiêu dùng được thưởng thức”, ông Lợi chia sẻ.
Ròng rã hơn 5 năm trời, ông Lợi cần mẫn cắt cỏ, bón các loại phân chuồng, tuyệt đối nói không với thuốc diệt cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Vậy làm thế nào để phòng chống sâu bệnh? Ông Lợi chia sẻ bí quyết: “Để hạn chế côn trùng, sâu bọ cắn phá, tui pha loãng nước vôi rồi phun, xịt lên cây. Nhưng phải canh đúng thời điểm, pha nước vôi đúng liều lượng thì mới cho hiệu quả”.
Nói về lý do không sử dụng phân thuốc hóa học, ông Lợi cho hay, bản thân ông đặc biệt chú trọng đến sức khỏe. Hơn nữa, các loại rau dại mọc trong vườn ông vẫn hái ăn hằng ngày. “Trong vườn vốn dĩ có rất nhiều dược liệu, tôi vẫn sử dụng và thường hái tặng cho người khác, nên việc sử dụng phân thuốc hóa học sẽ rất rủi ro”, ông Lợi nói.
Vừa dứt câu chuyện, ông Lợi “xúi” chúng tôi ăn thử một quả cam trong vườn. Ông Lợi mãn nguyện kể, con cháu ông sống ở TP.HCM cũng mê “cam nhà trồng” nên thường xuyên gọi điện xin ông gửi xuống TP.
“Năm nay thu hoạch được khoảng 4 tấn cam, với giá bán 30.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí cũng kiếm được trên dưới 70 triệu đồng”, ông Lợi nói rồi nhắn nhủ, nếu người dân có nhu cầu trồng, ông sẵn sàng chia sẻ giống và kinh nghiệm chăm sóc một cách tận tình nhất…