Bưởi Luận Văn ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hoá) từ xa xưa được người dân nơi đây làm sản vật “tiến vua” mỗi khi tết đến, xuân về.
Bưởi Luận Văn còn được xem là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc cho mỗi gia đình và giờ đây nó còn mang lại nguồn thu đáng kể cho người trồng.
Mang biểu tượng tâm linh
Theo các cụ cao niên ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá thì từ xa xưa bưởi Luận Văn được dùng để tiến vua. Khi chín bưởi có màu đỏ từ trong ra ngoài, vì vậy bưởi Luận Văn được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng khi bày trong mâm quả. Ngoài ra, quả bưởi Luận Văn nơi đây còn có những nét riêng không nơi nào có được, vỏ và ruột bưởi đều có màu đỏ rất đẹp, có mùi thơm đặc trưng, bởi vậy giống bưởi này được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là vào dịp tết đến, xuân về.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của quả bưởi Luận Văn là quả có hình bầu dục, màu đỏ chót, đầu quả lồi lên. Đặc biệt, bưởi Luận Văn nơi đây có mùi thơm khá đặc trưng, chỉ cầm quả bưởi trên tay đã ngửi thấy mùi thơm nức, càng xoa tay vào quả bưởi càng đỏ. Khi ăn, bưởi có vị ngọt thanh.
Bưởi đỏ tiến vua có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, (tỉnh Thanh Hóa), do đó loại bưởi đỏ này còn được gọi là bưởi Luận Văn. Khi nhỏ bưởi cũng có vỏ màu xanh như các loại bưởi thông thường, nhưng đến khoảng tháng 7 và tháng 8 âm lịch, quả bưởi này sẽ chuyển sang màu vàng. Đến khoảng tháng 10 – 11 âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc và toàn bộ quả bưởi từ vỏ đến tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Ngoài ra, bưởi đỏ Luận Văn có thể chưng từ 2 – 3 tháng sau đó mới héo dần.
Ngoài giá trị thuần túy là loại trái cây ra, bưởi Luận Văn được mọi người dùng để thờ cúng trong dịp Tết âm lịch còn vì quả bưởi đỏ Luận Văn được xem là một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng trời, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp tết, cùng với các sản phẩm khác như quả bòng, phật thủ… Nhiều người cũng thích sử dụng bưởi Luận Văn để làm quà biếu, tuy giá trị vật chất không lớn nhưng giá trị văn hoá và tâm linh là rất ý nghĩa.
Đem lại giá trị cao
Từ năm 2005, bưởi Luận Văn được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, từ những cây đầu dòng được tuyển, đã phục tráng để nhân rộng. Năm 2010, từ cây đầu dòng do Viện Nghiên cứu rau quả – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp, toàn huyện Thọ Xuân đa trồng mới được 2.000 cây.
Năm 2013, để bảo tồn và phát triển giống bưởi Luận Văn, được sự hỗ trợ của các ngành có liên quan, xã Thọ Xương đã tuyên truyền, vận động một số hộ nông dân có kinh nghiệm tham gia dự án bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, đồng thời hỗ trợ về cây giống, phân bón, chuyển giao khoa học, kỹ thuật… Đến năm 2022, tổng số diện tích đất trồng bưởi tại Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá đã phát triển lên tới hơn 35 ha. Hộ làm nhiều thì thuê đất trồng vài nghìn gốc, còn hộ ít thì cũng trồng lẻ tẻ vài chục cây hoặc vài cây trong nhà để phục vụ lễ tết cho chính gia đình
Vị ngọt thanh, thơm dịu và mọng nước, với màu đỏ đặc trưng từ vỏ, đến cùi và tép, bưởi đỏ Luận Văn được người dân chuộng dụng để thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết đến, Xuân về. Vào thời điểm Tết nếu như bán tại vườn, loại bưởi này đã có giá từ 80.000 – 200.000 đồng/quả và có thể cao hơn tùy từng năm.
Có thời điểm giá cao, những quả bưởi được tuyển chọn chất lượng có giá bán lên đến 500.000 đồng/cặp, nhưng vẫn không có hàng để bán. Chính nhờ cây bưởi, giờ đây, về Thọ Xương, ai ai cũng thấy cuộc sống của bà con ấm no và phát triển hơn nhiều.
Ông Nguyễn Văn Tư, thôn Thủ Trinh, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, người có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng bưởi đỏ tiến vua cho biết, năm nay, ông trồng 1.000 gốc bưởi trên diện tích 3 ha. Năm trước vườn bưởi nhà tôi năm ngoái bán được hơn 6.000 quả, trừ hết chi phí cũng thu về gần 500 triệu đồng. Năm nay, tiết trời ấm áp nên bưởi sai quả hơn, mấy hôm nay thương lái về xem rồi đặt tiền trước để mua hàng trăm đến cả nghìn quả nhưng tôi không đồng ý, vì bán sớm quá một là bị trượt giá, hai là giá giảm sâu thì đến cận ngày thương lái lại không đến mua nữa. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm, giờ cứ đến khoảng từ 15/12 âm lịch trở đi ai mua tại vườn thì tôi cắt bán.
Chia sẻ bí quyết để quả bưởi Luận Văn luôn đỏ mọng, ông Nguyễn Văn Tư nói, khi hái từ trên cây xuống, nếu lau quả bưởi bằng một chút rượu gạo, vỏ bưởi sẽ tăng thêm màu đỏ, hương thơm tỏa đều và có thể để trên bàn thờ được khoảng hai tháng.
Ông Lê Trung Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện tại toàn xã có trên 35 ha bưởi Luận Văn. Trong đó, một số ít diện tích được trồng tập trung, còn lại được người dân phát triển qua phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Hiện tại, xã đã có vùng trồng bưởi của ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn 7, đạt OCOP 4 sao. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều diện tích loại cây có giá trị kinh tế này.
Đã có một thời bưởi Luận Văn rơi vào quên lãng, có nguy cơ tuyệt giống nòi do nguyên nhân chủ yếu là sự không mặn mà của những người trồng bưởi. Mặc dù vậy giá trị đích thực của giống quả quý này luôn có sức sống vững bền và đang ngày càng được khẳng định.
Không những có màu đẹp mắt, giống bưởi quý từ xã Thọ Xương còn có mùi thơm dịu và để một vài tháng chưa hỏng. Bưởi thường chín đỏ nhất vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm nên được nhiều người mua để thờ tổ tiên. Những lợi thế và đặc trưng riêng giúp bưởi Luận Văn phát triển thị trường tốt.
Diện tích bưởi ngày càng được mở rộng ra nhiều thôn, xã trong vùng, như: Xuân Bái, Xuân Trường, thị trấn Lam Sơn và nhiều vùng khác trong và ngoài huyện. Gần đây, nhiều nhà vườn đã phát triển đại trà giống bưởi này theo quy mô khá lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên đã gặt hái nhiều thành công.