Loại bưởi độc, lạ hễ chín là đỏ au như gấc giá nửa triệu đồng/cặp, thương lái tranh nhau đặt cọc
Bưởi đỏ tiến Vua hút khách ngày Tết
Những ngày đầu tháng Chạp, làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa dường như tấp nập, rộn ràng hẳn lên bởi thương lái ở nhiều nơi đổ về đây đặt mua bưởi đưa đi bán, phục vụ người dân có nhu cầu trong những ngày Tết cổ truyền.
Người dân địa phương cho biết, bưởi đỏ Luận Văn nổi tiếng từ xa xưa dùng để tiến Vua, còn ngày nay được nhiều người dân tìm mua để thờ cúng trong mỗi dịp lễ Tết. Màu đỏ của quả bưởi Luận Văn được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng trong năm mới.
Không những vỏ và ruột bưởi đều có màu đỏ au rất đẹp, bưởi Luận Văn còn có mùi thơm đặc trưng. Bởi vậy, giống bưởi này được nhiều người ưa chuộng, tìm mua với giá cao mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nhận thấy giá trị to lớn của sản vật bưởi Luận Văn, UBND huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ xã Thọ Xương xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ dẫn địa lý và quy hoạch vùng phát triển. Huyện cũng có cơ chế khuyến khích các hộ dân trong xã đẩy mạnh khôi phục, nhân rộng vùng trồng bưởi Luận Văn.
Cả xã Thọ Xương hiện có tới 80% hộ dân trồng loại bưởi này, hộ ít cũng trồng khoảng 20 gốc, hộ nhiều vài trăm gốc. Những năm gần đây, nhiều gia đình nông dân ở xã Thọ Xương giàu lên nhờ trồng bưởi. Giá trị canh tác mỗi ha bưởi Luận Văn đã tăng lên hàng trăm triệu đồng.
Thương lái đổ về đặt cọc sớm hơn cả tháng
Là người có hơn 10 năm trồng bưởi đỏ tiến Vua, ông Nguyễn Văn Tư (thôn Luận Văn, xã Thọ Xương) cho biết, năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài nên diện tích bưởi đậu quả ít hơn dẫn đến sản lượng bưởi giảm đáng kể so với những năm trước.
Mọi năm, tầm này chưa có người đến đặt cọc bưởi. Nhưng năm nay thì khác, do bưởi không được mùa, lo sợ bưởi “cháy hàng”, nhiều thương lái đã tới mong được đặt cọc từ rất sớm nhưng ông chưa đồng ý bán.
“Vườn bưởi nhà tôi có hơn 250 gốc, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 500 triệu đồng. Năm nay được khoảng 7.000 quả phục vụ Tết. Bưởi năm nay mất mùa nhưng bù lại quả đẹp hơn, giá cao hơn so với mọi năm. Mấy hôm nay, thương lái đổ về xem rồi đặt cọc”, ông Tư nói.
Theo kinh nghiệm trồng bưởi của ông Tư, bưởi Luận Văn không như các giống bưởi khác, vì phải trồng từ năm thứ 5 trở đi mới cho thu hoạch ổn định. Bưởi tiến Vua khi nhỏ cũng có vỏ màu xanh như các loại bưởi thông thường, nhưng đến khoảng tháng 7 và tháng 8 âm lịch, quả bưởi sẽ chuyển sang màu vàng.
Đến khoảng tháng 10 – 11 âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc. Toàn bộ quả bưởi từ vỏ đến tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc.
Thông thường, từ ngày 15 tháng Chạp trở đi, thương lái mới cắt ồ ạt đến thu mua để nhập đi các tỉnh như: Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội… Bưởi vào chính vụ thì giá sẽ cao hơn. Nếu bán ở thời điểm này là sớm, dẫn đến mất giá.
“Vào những ngày giáp Tết, khách đến mua lẻ về làm quà biếu nhiều, nên việc lựa chọn những quả to đẹp để lại rất có giá. Những cặp quả đẹp, giá có thể lên tới 400.000 – 500.000 đồng/cặp”, ông Tư chia sẻ.
Làm nghề thu mua bưởi đã gần 20 năm nay, bà Kim Thị Nguyệt (một thương lái ở thôn Luận Văn, xã Thọ Xương) được bà con trong xã tin tưởng gửi gắm hàng hóa. Mỗi năm bà tiêu thụ cả vạn quả bưởi đỏ tiến Vua.
Bà Nguyệt cho biết, hàng năm cứ cách Tết độ 2 tuần bà mới gom hàng để nhập đi các tỉnh. Nhưng năm nay bưởi mất mùa, thương lái đổ về đặt hàng sớm nên bà cũng phải đặt theo.
“Như năm ngoái, bưởi bán xô (bán cả vườn) thường có giá 70.000 – 80.000 đồng/quả. Năm nay, có những thương lái đã trả trên 100.000 đồng/quả nhưng nhiều nhà vườn vẫn chưa đồng ý bán”, bà Nguyệt nói thêm về giá bưởi năm nay.
Cũng theo bà Nguyệt, để bảo quản bưởi, nếu sử dụng nước sạch để lau vỏ bưởi sẽ để được rất lâu, có khi vài tháng mới hỏng. Còn nếu dùng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm đặc trưng và màu sắc tươi đẹp hơn.
“Bưởi tiến vua Luận Văn đa phần được người dân trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi. Một số diện tích được trồng xen canh trong vườn các hộ gia đình. Do giá trị kinh tế từ cây bưởi mang lại rất cao nên chính quyền địa phương đang đặt mục tiêu sẽ tăng diện tích canh tác từ 35 ha (năm 2021) lên 60 ha vào năm 2025” – ông Phạm Đình Lực – Chủ tịch UBND xã Thọ Xương.