(LĐTĐ) Quan Hồ Thẩn là một xã vùng cao của huyện Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai chỉ canh tác được một vụ lúa, song với quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình, chị Vũ Thị Nhung đã luôn tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đưa những loại giống cây, vật nuôi vào nuôi trồng, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Chị là người đầu tiên đưa cây tam thất cho thu hoạch hoa, củ giá trị tiền tỷ về bản, giúp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc H’Mông nơi đây.
Do điều kiện kinh tế khó khăn nhiều người dân nơi đây thường bỏ quê đi xuất khẩu lao động, đi làm thuê ở những nơi khác do đó chị Vũ Thị Nhung luôn đau đáu phải tìm cách giữ chân người lao động địa phương, phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương.
Chị Vũ Thị Nhung chăm sóc vườn cây tam thất 2 tuổi |
Nhận thấy thôn Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai là vùng đất có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với việc trồng, phát triển cây tam thất, muốn tạo lối đi riêng cho bà con vùng bản cao, chị Nhung quyết định lặn lội đi học kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này. Gia đình chị cũng chính là những hộ đầu tiên tham gia mở rộng diện tích trồng cây tam thất tại địa phương.
Năm 2014, vợ chồng chị mạnh dạn xây dựng vườn tam thất có diện tích khoảng 2500m2, trong quá trình trồng, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt tuy nhiên vì thiếu kinh nghiệm nên khi thu hoạch chưa phát huy được hết năng suất mà cây trồng này đem lại. Không nản lòng, chị tiếp tục đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tam thất, năm 2018, vợ chồng chị đã đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng cây tam thất với tổng diện tích là 0,7ha trong đó 0,3ha ươm cây giống, 0,4ha trồng củ tam thất.
Theo chị Nhung việc tự ươm giống cây tam thất không những chủ động được nguồn giống cho gia đình mà cây giống có chất lượng tốt hơn vì không bị giập nát như khi vận chuyển cây giống từ nơi khác về, giảm giá thành đầu tư ban đầu, đồng thời chị còn thu được một khoản tiền không nhỏ từ việc cung cấp cây giống tam thất cho nhân dân quanh vùng, giúp người dân địa phương cùng mở rộng mô hình trồng loại cây này.
Trò chuyện cùng chị, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa nhiệt tình, khát khao cháy bỏng phục vụ quê hương, giúp đỡ bà con dân bản thoát nghèo luôn thường trực trong người phụ nữ vùng cao này. Nói về hành trình thuyết phục bà con nơi đây áp dụng theo hướng trồng mới, chị Vũ Thị Nhung cho biết để bà con tin tưởng và làm theo như ngày hôm nay là cả một quá trình gian khổ, tốn rất nhiều công sức vận động. Nhiều khi chị phải đến từng nhà, làm cùng bà con để họ thấy có hiệu quả thì lần sau họ mới thực hiện, trong quá trình thuê lao động đến làm tại vườn tam thất của gia đình, chị luôn làm cùng, chỉ dạy cho họ từng cách làm cụ thể để họ biết cách chăm sóc, trồng cây, cho họ tham gia vào các công đoạn để tự họ nhận thấy hiệu quả mà cây tam thất đem lại để từ đó nhân rộng, áp dụng mô hình xây dựng vườn tam thất cho riêng gia đình mình.
“Để phát triển vườn tam thất của gia đình, tôi thuê nhân công đến làm tại vườn, tuy nhiên tôi không thuê cố định một vài người mà lựa chọn rất nhiều người, như vậy trong quá trình làm sẽ có nhiều người cùng được học hỏi cách trồng tam thất, giúp họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Cây tam thất mang lại giá trị cao rất nhiều lần so với việc trồng ngô, trồng lúa và sẽ là cây để phát triển quê hương, chúng tôi muốn xây dựng thành một thương hiệu, mỗi khi nói đến cây tam thất thì người ta sẽ nhớ đến Si Ma Cai. Nhưng Quan Hồ Thẩn vẫn là một xã nghèo của huyện Si Ma Cai, tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn để cho quê hương của mình ngày càng phát triển. Tôi thấy hạnh phúc khi được đóng góp một phần công sức nhỏ bé giúp quê hương phát triển hơn nữa, để phục vụ cho bà con thôn, bản”, chị Vũ Thị Nhung bộc bạch.
Không chỉ tập trung làm giàu cho gia đình, chị sẵn sàng giúp đỡ các chị em khác trong thôn, xã về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt, để cùng phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu. Nhiều hội viên, phụ nữ tại địa phương đã được chị tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến những kinh nghiệm mà chị đã đúc rút được qua quá trình thực tế sản xuất. Cùng với đó nhận thấy diện tích trồng chưa đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp tam thất ra thị trường, vợ chồng chị Nhung lập dự án mở rộng diện tích trồng cây tam thất và xin hỗ trợ vốn cho người dân nghèo tham gia dự án. Cứ vậy những kiến thức, kỹ thuật trồng cây tam thất được vợ chồng chị chỉ dạy tới từng người tham gia dự án, các sản phẩm tam thất của người dân được chị hỗ trợ kết nối bao tiêu. Những năm gần đây, loại cây dược liệu này đã được huyện tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, nhiều hộ dân nơi đây đã có nguồn thu nhập cao và ổn định.
Chị Nhung đầu tư máy móc để sản xuất, chế biến các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất… |
Với những tâm huyết dành cho cây tam thất, đầu năm 2020, chị Nhung được các thành viên trong Hợp tác xã Mản Thẩn tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc Hợp tác xã để tiếp tục phát triển mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ cây tam thất. Nhận thấy địa bàn huyện có khá nhiều loại dược liệu quý nhất là những sản phẩm phụ từ cây tam thất như rễ, lá thân đang bị bỏ lãng phí cùng với mong muốn sản xuất, chế biến các loại dược liệu sẵn có tại địa phương, chị đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu thành sản phẩm công nghệ cao. Đến nay các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất và trà tam thất… của Hợp tác xã đã được cung cấp đến nhiều người tiêu dùng trên cả nước. Hiện nay, sản phẩm trà túi lọc tam thất Si Ma Cai của Hợp tác xã được bình chọn là “1 trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lào Cai năm 2020”.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Nhung cho biết mặc dù các công đoạn sản xuất các sản phẩm của cây tam thất đã và đang được Hợp tác xã triển khai tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất do vùng nguyên liệu trồng cây tam thất vẫn còn ít nên sản lượng thu được vẫn hạn chế, trong khi đó người dân vẫn ưa chuộng dùng củ tam thất tươi hơn là các sản phẩm như trà túi lọc… nên bước đầu sản lượng của Hợp tác xã sản xuất ra chưa nhiều.
“Từ tháng 7/2020 đến nay do nguồn cung tam thất chưa nhiều nên Hợp tác xã mới chỉ cung cấp ra thị trường được 1.000 hộp trà tam thất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con cùng mở rộng diện tích trồng, cho sản lượng tam thất nhiều hơn, mở rộng quy mô sản xuất của Hợp tác xã, qua đó cũng giúp giảm lượng chi phí sản xuất, hạ giá thành để sản phẩm đến tay nhiều người tiêu dùng hơn, từ đó tạo thêm việc làm cho các lao động quanh vùng…”, chị Nhung cho hay. /.