Vài năm trở lại đây, một số hộ dân ở thôn nghèo Hòa Thanh, thuộc xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã dần vươn lên thoát nghèo từ cây ăn quả có múi.
Trong đó phải nhắc đến hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy (SN 1972) một trong những gương điển hình về làm kinh tế giỏi đem lại thu nhập ổn định ở nơi từng được coi là mảnh đất “chết” một thời.
Theo chân cán bộ khuyến nông xã Ea Nuôl (Buôn Đôn) phóng viên được tham quan vườn cam, quýt sai trái của gia đình bà Thủy mới thấm được câu “đất không phụ lòng người”. Để có được thành quả như ngày hôm nay bà Thủy cùng chồng là ông Huỳnh Hữu Vân đã phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lam lũ với đủ thứ nghề.
Bà Thủy chia sẻ: Gia đình bà từ miền Tây lên định cư ở đất Buôn Đôn từ năm 1997. Thời đó, điện – đường – trường – trạm còn chưa có dân tại thôn này chỉ có lác đác vài hộ đồng bào dân tộc phía Bắc vào lập làng, cuộc sống của bà con nơi đây thiếu thốn đủ điều. Vào đầu năm 2000 với số tiền ít ỏi tích cóp được của gia đình, hai vợ chồng mua đất tại thôn Hòa Thanh bây giờ để lập nghiệp, ấy thế mà cái nghèo đeo bám vì đất xấu bạc màu không thể trồng trọt được. “Hằng ngày để có cái ăn cái mặc nuôi hai con nhỏ hai vợ chồng bám dòng sông Sêrêpôk với nghề bắt cá. Cuộc sống sông nước cũng vất vả không kém, nhiều lúc cả hai vợ chồng bất lực đã từng nghĩ đến việc trở lại quê miền Tây mưu sinh. Cũng nhờ đó ý tưởng mang giống cam, quýt lên xứ sở cây cà phê đã nảy lên trong đầu tôi.”, bà Thủy cho hay
Nghĩ là làm, sau chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long năm 2012 bà Thủy cùng chồng bắt tay làm đất cải tạo vườn tạp từ khâu làm đất, đào gốc và tìm kiếm nguồn nước,… Rồi nhờ người thân gửi giống cam sành và quýt đường từ quê đưa vào trồng thử nghiệm. Ông Huỳnh Hữu Vân, chia sẻ: “Khó khăn nhất với vợ chồng tôi khi đó là nguồn nước ở đây rất khan hiếm, chúng tôi phải nối ống bơm nước từ dưới suối lên cách nhà hơn 500m nên rất gian nan.Thời đó việc đào giếng còn khó bởi nếu có đào được thì cũng không dùng liền bởi nguồn nước giếng ở đây bị nhiễm phèn nặng mà nếu không qua xử lý sẽ không dùng được; trong khi đó đặc thù của cây có múi là cần đủ nước mới phát triển tốt”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy phấn khởi bên vườn cam sành sai trái
May mắn cho vợ chồng bà Thủy là thời còn ở quê hương tỉnh Vĩnh Long xứ cây trái miệt vườn miền Tây dòng họ nhà bà ai cũng sống dựa vào cây có múi là chính, từ bưởi năm roi đến cam, quýt, chanh,… Bởi thế khi đem cây giống vào Tây Nguyên trồng thử nghiệm kỹ thuật chăm bón với gia đình bà không gặp mấy khó khăn đặc biệt là “bí quyết” ép cây cho trái quanh năm. Bà Thủy tiết lộ: “Để loại cây cây ăn trái có múi này phát triển tốt, quả có vị ngọt, múi không bị khô và sượng đòi hỏi người trồng phải thật am hiểu kỹ thuật chăm sóc như vun gốc, tỉa cành, lượng phân bón cũng như lượng nước thích hợp.
Hiện tại, giá bán mỗi kg cam, quýt tại vườn dao động từ 20.000 – 25.000 đồng, vào mùa khô tầm tháng 2 tháng 3, giá loại cây ăn trái này tăng lên 25.000 – 35.000 đồng/kg. Với diện tích hơn 8 sào giúp gia đình bà Thủy thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ tất cả chi phí. Bên cạnh đó, hướng đến thị hiếu của người tiêu dùng chú trọng đến sản phẩm chất lượng và an toàn, vườn cam quýt của bà Thủy chủ yếu sử dụng phân bón sinh học.
Chị Lê Thị Bình Ly, cán bộ Khuyến nông xã Ea Nuôl cho hay: “Ban đầu chỉ có một vài hộ dân quê miền Tây trên địa bàn xã mang giống cây ăn trái có múi về trồng tại địa phương và thấy thích hợp với loại đất, thổ nhưỡng nơi này đem lại hiệu quả kinh tế. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhiều bà con ở trong xã đã có thu nhập ổn định, thậm chí vươn lên thoát nghèo bền vững điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Thủy ở thôn Hòa Thanh – một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã với tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 82%. Từ đó bà con nơi đây cũng học hỏi kinh nghiệm phát triển theo. Song song với đó địa phương cũng khuyến cáo người dân đừng vì lợi nhuận trước mắt mà trồng ồ ạt loại cây này vì nếu phá vỡ quy hoạch sẽ không có đầu ra cho sản phẩm.”/.